Apple "quật ngã" đồng hồ Thụy Sĩ?

Cáp Tần 03/05/2020 11:18

Nhiều chuyên gia dự báo chỉ cần 4 năm nữa, Apple sẽ đánh bại đế chế đồng hồ Thụy Sĩ- một nền công nghiệp lừng danh hơn 200 năm vẫn đang thời sung sức.

Trong năm 2019, số đồng hồ Thụy Sĩ bán ra giảm 13%, trong khi đó đồng hồ Apple lại tăng trưởng tới 36% so với năm 2018.

Cuộc khủng hoảng Quartz

Đồng hồ Thụy Sĩ đã từng thống trị thị trường nhờ những bộ máy cơ học tinh xảo, chính xác và bền bỉ của mình. Những năm 1960, 50% thị phần đồng hồ toàn cầu thuộc về người Thụy Sĩ.

Nhưng cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, công nghệ Quartz bước ra thị trường với thiết kế đơn giản và chính xác không kém gì đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp nhất. Nhưng quan trọng hơn cả, đồng hồ Quartz cực kỳ rẻ.

Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ bất lực nhìn từng đoàn quân đồng hồ điện tử Nhật Bản giá rẻ ùa vào ngoạm hết thị phần, đẩy đồng hồ Thụy Sĩ tới bờ vực phá sản. Lịch sử gọi đây là “Cuộc khủng hoảng Quartz”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng hồ Thụy Sĩ vẫn tốt hơn đồng hồ… thế giới!

    Đồng hồ Thụy Sĩ vẫn tốt hơn đồng hồ… thế giới!

    16:31, 24/02/2020

  • Tỷ phú Thuỵ Sĩ: Startup Việt phải làm được thứ khiến thế giới ồ lên

    Tỷ phú Thuỵ Sĩ: Startup Việt phải làm được thứ khiến thế giới ồ lên

    05:23, 08/03/2019

Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ buộc phải liên minh lại, tìm cách giải cứu đế chế 200 năm đang có nguy cơ đổ sụp. Họ vạch ra một chiến lược, phân thế giới đồng hồ Thụy Sĩ thành 2 nhánh. Một nhánh đi xuống dưới, như Swatch, Tissot, làm những chiếc đồng hồ giá cực rẻ, thậm chí không có lợi nhuận để đối đầu trực tiếp với đồng hồ giá rẻ Nhật. Những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ giá rẻ như một bức tường lửa, giữ người Nhật nằm im ở phân khúc giá rẻ, bảo vệ lãnh địa cho nhánh thứ 2.

Nhánh thứ 2 của những Blancpain, Pantek Philippe đi lên cao, làm ra những chiếc đồng hồ rất cao cấp, tạo lợi nhuận đủ nuôi cả đế chế đồng hồ Thụy Sĩ. Để làm được điều này, họ định vị lại thương hiệu. Đồng hồ Thụy Sĩ bây giờ không phải là chiếc đồng hồ để xem giờ nữa, mà là một món đồ trang sức cao cấp.

Chiến lược tường lửa của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ thành công rực rỡ, chặn đứng cuộc xâm lăng của người Nhật. Định vị thời trang một lần nữa đưa đồng hồ Thụy Sĩ lên đỉnh cao thế giới trong hơn 30 năm, cho đến ngày 9/9/2014, khi Tim Cook, CEO của Apple trình làng chiếc Apple Watch.

Chiến lược bất thành của đồng hồ Thụy Sĩ

Người Thụy Sĩ ban đầu không thèm coi đồng hồ Apple là đối thủ. Ông Jean-Claude Biver, CEO hãng Tag Heuer nói với báo chí: “Trông Apple Watch như sản phẩm của một cậu mới học nghề được 3 tháng. Liệu 80 năm nữa, nó còn chạy được và thừa kế lại cho con cháu không?”

Tuy nhiên sau đó, các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã rất nhanh chóng nhận ra được mối đe dọa thực sự khi số
lượng đồng hồ Apple xuất xưởng cứ tăng phi mã liên tục. Thụy Sĩ vội vã triển khai chiến lược tường lửa “trấn quốc” một thời bằng cách sản xuất thêm phiên bản đồng hồ thông minh (smartwatch) để chặn đầu Apple Watch. Nhưng lần này họ đã định vị nhầm đối thủ.

Đồng hồ Apple, về mặt hình thức là một chiếc đồng hồ đeo tay. Nhưng bản chất đó không phải là chiếc đồng hồ thông thường, mà là một chiếc máy tính, một “cầu nối” đưa người đeo vào hệ sinh thái iPhone, App Store và hàng trăm nghìn ứng dụng phần mềm trên đó.

Cũng giống như iPhone không phải là một cái điện thoại, mà là chiếc máy tính đưa người dùng hòa vào hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ của Apple. Hệ sinh thái đó là thứ các hãng đồng hồ Thụy Sĩ không thể có. Thành thử, chiến lược tường lửa thất bại thảm hại, và Apple Watch cứ băng băng tiến lên.

Thời trang không bằng sức khỏe

Apple định vị rất rõ ràng chiếc đồng hồ của mình là một đồ theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Khi đeo Apple Watch trên tay, người dùng biết được nhịp tim, theo dõi các chỉ số của cơ thể từng giờ từng phút, và hòa nhập vào hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng rất nhiều tiện ích khác của Apple. Tim Cook nói trên truyền thông: “Sau này nhìn lại, bạn sẽ thấy đóng góp lớn nhất của Apple cho nhân loại chính là sức khỏe”.

Như vậy, đồng hồ Thụy Sĩ và Apple Watch là hai đồ dùng khác nhau, hai định vị khác nhau, hai thị trường hoàn toàn khác nhau. Có vẻ như hai chiếc đồng hồ cũng không phải là đối thủ cạnh tranh. Thậm chí người ta còn so sánh 2 bên giống như sách in và sách điện tử, “nước sông không phạm nước giếng”.

Nhưng không phải ai cũng giống CEO hãng Swatch, người luôn đeo 4 chiếc đồng hồ trên cổ tay. Mỗi người bình thường chỉ có 1 chỗ để đeo đồng hồ, và họ phải chọn: Trang sức hay chăm sóc sức khỏe. “Sức khỏe là vốn quý”, số liệu thị trường đã chứng minh điều này. Thời trang đã thua sức khỏe.

Thời trang Thụy Sĩ đang lỗi mốt

Những chiếc đồng hồ thời trang Thụy Sĩ lâu nay được xây dựng để trở thành biểu tượng của sự thành đạt, giàu có trong xã hội. Những Rolex, Patek Philippe đi kèm với những bộ đồ đẹp đẽ, hàng hiệu, sang trọng.

Những hình ảnh này bây giờ vẫn còn giá trị, nhưng thời thế bắt đầu thay đổi. Những tỷ phú giàu nhất thế giới, những CEO tài ba nhất thế giới, những biểu tượng thành công nhất thế giới không mặc đồ hàng hiệu, đi giày da bóng nữa. Họ mặc quần bò, áo phông, đi giày thể thao rẻ tiền, và họ không cần một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ để thể hiện đẳng cấp.

Định vị thời trang sang trọng kiểu cổ điển đã giúp các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đứng vững, phát triển lên đỉnh cao trong 30 năm. Nhưng bây giờ, giá trị cốt lõi đó gặp phải một đối thủ quá mạnh- Apple Watch, khiến các hãng Thụy Sĩ một lần nữa nhìn từng miếng thị phần lần lượt bị mất như cuộc khủng hoảng Quartz ngày nào. Những CEO của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ sẽ nghĩ ra chiến lược nào để ứng phó?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Apple "quật ngã" đồng hồ Thụy Sĩ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO