AST: Thu lời khủng từ bán tạp hóa ở sân bay?

Nha Trang 05/01/2018 08:00

Ngay phiên chào sàn, cổ phiếu AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) đã tăng kịch trần lên 54.000 đồng/cổ phiếu.

Taseco Airs được tách ra từ Taseco Thăng Long và thành lập từ tháng 9/2015. Công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không như kinh doanh cửa hàng café fastfood, nhà hàng, bách hóa lưu niệm, dịch vụ quảng cáo, đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông, đại lý thu đổi ngoại tệ, dịch vụ du lịch, lưu trú, đón tiễn; cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không… tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài - Huế, Cam Ranh,Tân Sơn Nhất, Phú Quốc… Ngoài lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không, Công ty cũng kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Taseco Airs hiện đang sở hữu chuỗi quầy hàng mang thương hiệu Lucky café, Lucky fastfood, Lucky restaurant, Lucky Souvenir Shop…

“Lớn nhanh như thổi”

Theo cáo bạch của doanh nghiệp, Taseco Airs hiện có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, tương đương với 36 triệu cổ phiếu. Tính đến 22/11, Taseco Airs hiện đang có 2 cổ đông lớn nắm giữ 70% cổ phần là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long - Taseco (sở hữu 60% cổ phần) và quỹ PENM IV (nắm giữ 10% cổ phần). Ngoài ra, Taseco Airs còn có 503 cổ đông khác nắm giữ khoảng 30% vốn.

Sau 2 năm thành lập với số vốn ban đầu “tí hon” là 27 tỷ đồng, tân binh Taseco Airs đã “lớn nhanh như thổi”. Sau hai lần tăng vốn, lần lượt vào tháng 10/2016 và tháng 7/2017, vốn điều lệ của Taseco Airs đã lên mức 360 tỷ đồng, số lượng cổ đông cũng tăng từ 3 người sáng lập lên hơn 500 người.

Taseco Airs hiện có 4 công ty con, là CTCP Dịch vụ Taseco Đà Nẵng (99,9%), CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco Sài Gòn (65%), công ty TNHH MTV Taseco Oceanview Đà Nẵng (100%) – đơn vị quản lý khách sạn Alacarte Đà Nẵng, CTCP Đầu tư truyền thông Taseco (99,9%).

Một đơn vị khác có phần vốn góp của Taseco Airs là CTCP Dịch vụ suất ăn Hàng không Việt Nam – đơn vị cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không.

Về kết quả kinh doanh, đến hết tháng 11 năm 2017, doanh thu hợp nhất của Taseco Airs đạt 597,8 tỷ đồng (92,6 % kế hoạch cả năm), lợi nhuận sau thuế đạt 133,4 tỷ đồng (đạt 90% kế hoạch cả năm).

Lý giải về việc kết quả tăng trưởng đột biến kể trên, Taseco Airs cho biết nhờ ngành hàng không tăng trưởng mạnh và công ty mở rộng thêm các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Ngoài doanh thu từ bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại sân bay, Taseco Airs còn ghi nhận 107 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh khách sạn chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017. Trong năm 2018, Công ty đặt mục tiêu kinh doanh với mức doanh thu thuần là 871 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 154 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền dự kiến từ 20-40%.

AST có dư địa "cất cánh"?

Sáng qua (4/1), 36 triệu cổ phiếu AST chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá tham chiếu 45.000 đồng/cp.

Tính đến 10h30, cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) tăng trần lên 54.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 5.000 đơn vị, trong đó dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị. Mới mức tăng trần này đẩy mức vốn hóa thị trường của Taseco Airs lên 1.944 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn thứ 2 chỉ sau Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Tuy nhiên 45.000/cp lúc chào sàn hay 54.000/cp khi tăng trần thì AST vẫn còn khá rẻ so với giá cổ phiếu hiện tại của các doanh nghiệp cùng ngành như MAS của Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (88.500 đồng/CP), CIA – Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (63.800 đồng/CP), NCS của Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài (50.000 đồng/CP), …Thậm chí có những mã cổ phiếu còn cao gấp 3-4 lần so với giá khởi điểm của AST như SGN (161.000 đồng/CP), SCS (121.600 đồng/CP)…

Mặc dù vậy, với việc kinh doanh cung cấp dịch vụ phi hàng không tại các sân bay cùng với tiềm năng của ngành hàng không với số lượng hành khách ngày càng tăng hứa hẹn nhà đầu tư sẽ còn chý ý nhiều đến "tân binh" này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
AST: Thu lời khủng từ bán tạp hóa ở sân bay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO