Trong bối cảnh hội nhập, nguồn lực lao động đang phải đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là sinh viên mới ra trường.
Vì vậy, chất lượng đào tạo và các kỹ năng mềm của sinh viên trong quá trình học tập là nhân tố quyết định cho chất lượng đầu ra của sinh viên.
Để giảm thiểu được tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm như hiện nay, công tác đào tạo cần chú trọng ba vấn đề quan trọng.
Định hướng nghề nghiệp trước khi đào tạo
Mỗi sinh viên phải xác định niềm đam mê, khả năng của mình phù hợp với chuyên ngành gì và tình hình sử dụng lao động ngành đó ở nơi mình dự định làm việc. Nếu xác định được rõ tiêu chí sinh viên, sẽ có hướng đi rõ ràng hơn ngay từ trên giảng đường đại học. Trên thực tế, rất nhiều các sinh viên đang học giữa chừng một ngành nào đó thì chuyển ngành khác, vì nhận thấy khả năng thực sự và đam mê không phải ở ngành mình đang học. Tuy nhiên có nhiều sinh viên khác lại không dám thay đổi vì đã trót học nửa chặng đường, nếu thay đổi thì rất tốn kém cho gia đình, do đó cố gắng chịu đựng. Chính việc các sinh viên chọn ngành không phù hợp với năng lực là sai lầm đầu tiên. Tiếp theo nếu các sinh viên không hứng thú với ngành học đó thì lại càng nguy hiểm, bởi chúng ta đều không thể nào thành công khi làm công việc mình không yêu thích.
Định hướng thực hành kỹ năng mềm cho sinh viên
Ngày nay, khi các nền tảng công nghệ thông tin phát triển với tốc độ chóng mặt, thì sinh viên có được nhiều trải nghiệm và tự tạo ra việc làm ngay từ trên ghế nhà trường. Mặc dù đôi khi những công việc đó không liên quan đến ngành đào tạo, nhưng cũng là cơ hội để các sinh viên trải nghiệm và dấn thân vào thực tiễn cuộc sống. Những trải nghiệm thực tế này là điều rất cần thiết để bồi đắp thêm các kỹ năng mềm, giúp cho hành trang lập nghiệp của các sinh viên trở nên dễ dàng hơn khi ra trường. Bên cạnh việc tự thân của các sinh viên, ở về góc độ các môi trường đào tạo, nhà trường cần đưa tân sinh viên đến các doanh nghiệp để tham quan, trực tiếp nhìn thấy công việc thực tế mình lựa chọn. Từ đó có những sự định hướng rõ ràng và có kiến thức, kỹ năng vững vàng hơn cho hành trang sau khi ra trường.
Theo số liệu của Bộ LĐTB & XH đến hết 2017, Việt Nam đã có hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, 125.000 sinh viên đang đi làm các công việc đơn giản không liên quan đến trình độ được đào tạo.
Nhà trường kết nối với doanh nghiệp
Nếu như trước đây sinh viên chỉ có cơ hội tìm việc làm ở các đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước, thì hiện nay cả nước có khoảng 51.8000 doanh nghiệp. Đây cũng được xem là hệ thống đào tạo nghề, đào tạo đại học, sau đại học… Do đó, nhà trường và doanh nghiệp cần kết nối, hợp tác với nhau nhằm giúp sinh viên tiếp cận với các môi trường thực tế.
Khi nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, đồng thời việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ rất nhiều cho việc học tập của sinh viên và giảng viên. Việc kết nối được với nhiều doanh nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo của từng trường, sẽ là nguồn đầu ra ổn định và bền vững cho nhà trường.
Trong đào tạo, nếu chúng ta biết kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, sẽ góp phần giảm tải được áp lực về nguồn nhân lực, cũng là động lực để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động, góp phần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp.