Bác bỏ quan điểm phi lý đối với các vùng biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

Diendandoanhnghiep.vn Những quan điểm sai trái mà các bên có tranh chấp với Việt Nam đã và đang vận dụng để đòi hỏi yêu sách chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cần bác bỏ.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều bên có tranh chấp chủ quyền về biển, đảo với Việt Nam đã và đang đưa ra những quan điểm, yêu sách chủ quyền trái với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và trái với những quy định của UNCLOS nhằm làm cơ sở pháp lý để tiến hành đấu tranh trong quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền về biển, đảo với Việt Nam.

Một yêu cầu quan trọng trong công tác đàm phán quốc tế về phân định biển là phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của hệ thống quy phạm pháp luật quốc tế hiện đại, vận dụng những quy định của các Công ước của Liên hợp quốc về luật biển quốc tế, đặc biệt là những quy định của UNCLOS về phân định biển để có thể đấu tranh loại bỏ những quan điểm, yêu sách chủ quyền phi lý đi ngược lại với những chuẩn mực của luật pháp quốc tế hiện đại, vi phạm các quy định về luật biển quốc tế về xác lập chủ quyền đối với các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà quân dân trên các đảo, Nhà giàn DK1 đã góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với biển, đảo, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió. Trong ảnh: Đoàn công tác Vùng 2 Hải quân ra thăm, động viên các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1/12 - cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà quân dân trên các đảo, Nhà giàn DK1 đã góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với biển, đảo, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió. Trong ảnh: Đoàn công tác Vùng 2 Hải quân ra thăm, động viên các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1/12 - cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Sau đây là những quan điểm sai trái mà các bên có tranh chấp với Việt Nam đã và đang vận dụng để đòi hỏi yêu sách chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Chủ quyền quốc gia đối với đảo không dựa trên tính kế cận địa lý

Đối với quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc kế cận địa lý, được một số quốc gia có vị trí địa lý cận kề dựa vào để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ của họ. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ về biển, đảo, lập luận này không được thừa nhận như là một nguyên tắc pháp lý. Bởi vì, có rất nhiều vùng lãnh thổ nằm sát ngay bờ biển của nước này nhưng vẫn thuộc chủ quyền của nước khác và không hề có sự tranh chấp nào xảy ra.

Phân tích quan điểm này nhằm bác bỏ quan điểm của Philippines hiện nay đưa ra tính kế cận trong quá trình đòi yêu sách chủ quyền, Philippines cho rằng một phần của quần đảo Trường Sa nằm gần Philippines nên Philippines có chủ quyền. Đồng thời phân tích quan điểm này nhằm bác bỏ quan điểm của Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa nằm gần Trung Quốc hơn nên chủ quyền thuộc về Trung Quốc. Trong thực tiễn các quy phạm pháp luật quốc tế đã không có một điều khoản nào quy định quốc gia ven biển có đảo nằm gần là thuộc về chủ quyền của quốc gia đó, một đảo nằm gần một quốc gia ven biển, chủ quyền vẫn có thể thuộc về nước khác không phụ thuộc vào vị trí địa lý, tính kế cận.

Trong thực tiễn tập quán quốc tế và những nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại đã khẳng định chủ quyền của một quốc gia đối với các vùng lãnh thổ phụ thuộc vào quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước của quốc gia đó chứ không phụ thuộc vào tính kế cận. Ví dụ, các đảo Jersey, Guernsey, Alderney và Shark nằm gần Pháp hơn Anh, nhưng chủ quyền thực tế lại thuộc về Anh, đảo Phú Quốc nằm gần Campuchia hơn Việt Nam, nhưng chủ quyền thực tế thuộc về Nhà nước Việt Nam.

Sự phát triển của luật pháp quốc tế hiện đại và luật biển quốc tế đến sự hình thành những quy định của UNCLOS không có điểm nào quy định lợi thế về mặt vị trí địa lý của một quốc gia đối với sự khẳng định chủ quyền về một vùng lãnh thổ như các đảo đá, bãi ngầm, bãi cạn. Căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, thực tiễn của tập quán quốc tế, luật biển quốc tế đặc biệt là những quy định của UNCLOS thì những lập luận sau đây đều sai trái không có giá trị pháp lý quốc tế, không có giá trị khoa học trong thực tiễn:

Theo quan điểm của Trung Quốc, Trung Quốc luôn ngụy biện cho rằng cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, bởi vì quần đảo này nằm gần Trung Quốc hơn Việt Nam.

Quan điểm của Philippines cho rằng một số đảo đá, đảo, bãi ngầm trong khu vực quần đảo Trường Sa nằm gần Philippines hơn Việt Nam nên chủ quyền của đảo đá, đảo, bãi ngầm đó thuộc về Philippines.

Quan điểm của của Malaysia cho rằng một số đảo đá nằm gần Malaysia hơn Việt Nam nên chủ quyền các đảo đá đó thuộc về Malaysia.

Quan điểm của Brunei cho rằng một số đảo đá nằm gần Brunei hơn Việt Nam nên chủ quyền các đảo đá đó thuộc về Brunei.

Đây là những quan điểm sai trái về tính khoa học pháp lý, không có giá trị pháp lý quốc tế, thế nhưng hầu hết các bên yêu sách chủ quyền đều đưa ra trong quá trình đấu tranh pháp lý và ngoại giao liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Xét về góc độ luật pháp quốc tế thì những quan điểm trên không có giá trị pháp lý, bởi trong các quy phạm của hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại, luật biển quốc tế và những quy định của UNCLOS không có một điều khoản nào quy định về tính kế cận, và đương nhiên một đảo nằm gần một quốc gia ven biển chưa hẳn thuộc chủ quyền về quốc gia đó, đó cũng là lẽ đương nhiên.

Xét về mặt nhà nước xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì duy nhất chỉ có Việt Nam là chứng cứ phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ. Với những cơ sở pháp lý thể hiện qua các phương diện như: sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh một cách rõ ràng đó là vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới tiến hành xác lập chủ quyền về mặt nhà nước ở hai quần đảo đó.

Về quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự, đã được quốc tế thống nhất sử dụng rộng rãi để xem xét, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, với các nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do thực thể nhà nước tiến hành. Thứ hai, việc chiếm hữu phải được thực hiện trên một vùng lãnh thổ vô chủ - Res-Nullius hay trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang -derelicto. Thứ ba, quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, thích hợp với những điều kiện tự nhiên, dân cư ở trên vùng lãnh thổ đó. Thứ tư, việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải hòa bình, liên tục, rõ ràng; dùng vũ lực để xâm chiếm là phi pháp, không được thừa nhận.

Trong thời điểm Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã không có một quốc gia nào khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo này. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng: đó là vào nửa đầu thế kỷ XVII Chúa Nguyễn đã tổ chức Đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa là thu lượm hàng hoá của các tàu bị đắm, đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp triều đình; đồng thời tiến hành đo vẽ, trồng cây trên quần đảo Hoàng Sa. Đây là một hành động thể hiện sự xác lập chủ quyền về mặt nhà nước của Chúa Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tiếp theo vào nửa đầu thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn tổ chức thêm Đội Bắc Hải, Đội Bắc Hải được cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa có nhiệm vụ: thu lượm hàng hoá của các tàu bị đắm, đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp cho triều đình; đồng thời tiến hành đo vẽ, trồng cây trên quần đảo Trường Sa. Đây là một hành động thể hiện sự xác lập chủ quyền hoàn toàn về mặt nhà nước của Chúa Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các hoạt động của Chúa Nguyễn và Triều đình Nhà Nguyễn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong tài liệu lịch sử của nhiều tác giả trong nước tiêu biểu như: 1- Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư của tác giả Đỗ Bá tự Công Đạo năm 1686, Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư là một bộ sách gồm 4 quyển, trong mỗi quyển có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải rất rõ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được soạn vào khoảng thời gian từ năm 1630 đến năm 1653; 2- Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục được viết tại Phú Xuân (Huế), khi ông được vua Lê chúa Trịnh phái đi trấn nhậm Thuận Hoá, Quảng Nam vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 7 năm 1776.

Ngoài ra. những sự kiện đó còn được một số học giả nước ngoài ghi chép lại khi họ đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam. Xét dưới góc độ các quy phạm pháp lý của hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại quy định cách xác lập chủ quyền đối với các đảo, quần đảo phải thể hiện được ở điểm tối ưu nhất là khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước, không phụ thuộc vào tính kế cận, không phụ thuộc vào sự xâm chiếm, không phụ thuộc vào sự phát hiện của một cá nhân.

Qua đó cho chúng ta thấy sự xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước điều đó đáp ứng được các tiêu chí của luật pháp quốc tế chứ không phải là sự xâm lăng, hay chiếm cứ của một cá nhân. Sự xác lập chủ quyền về mặt nhà nước của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế lợi thế tuyệt đối này để vận dụng vào trong quá trình đàm phán quốc tế về giải quyết tranh chấp đối với các quốc gia hữu quan trong khu vực liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, nguyên tắc chiếm hữu thật sự đã thể hiện tính khách quan, khoa học, bình đẳng và toàn diện trong thực hiện quyền thụ đắc lãnh thổ đối với mọi quốc gia trên thế giới, mà không phân biệt đó là quốc gia lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu v.v... Theo nguyên tắc này, một quốc gia dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm hữu chủ quyền biển, đảo, dù kéo dài trong bao nhiêu năm cũng vẫn là phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận. Đây là một trong những căn cứ quan trọng, làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho từng khu vực và toàn thế giới.

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới (Ảnh minh họa)

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới (Ảnh minh họa)

Chủ quyền đối với đảo không dựa trên địa hình đáy biển

Phân tích quan điểm này nhằm bác bỏ quan điểm của Malaysia và Brunei đã đưa ra chủ quyền dựa trên địa hình đáy biển nhằm khẳng định có chủ quyền tại một số đảo đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực tiễn luật pháp quốc tế đã không quy định chủ quyền của một đảo dựa trên địa hình đáy biển.

Luật pháp quốc tế đã thừa nhận một đảo nằm trên sự kéo dài tự nhiên của đất liền của một quốc gia ven biển, chủ quyền vẫn có thể thuộc về quốc gia khác. Ví dụ, các đảo: Jersey, Guernsey, Alderney và Shark thuộc về Anh, mặc dù dựa trên địa hình đáy biển thì các đảo này lại nằm gần Pháp nhưng điều đó không có nghĩa là chủ quyền của các đảo này lại thuộc về nước Pháp, phán quyết của tòa chủ quyền của hai nhóm đảo thuộc về Anh.

Vì vậy, những lập luận của Malaysia và Brunei cho rằng một số đảo đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền về Malaysia và Brunei dựa trên sự kéo dài tự nhiên của đất liền của các quốc gia này là những lập luận sai lầm, không có cơ sở pháp lý, vô giá trị và không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và những quy định của UNCLOS.

Chủ quyền của quốc gia đối với đảo không dựa trên vùng đặc quyền kinh tế chiếu theo UNCLOS

Hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại, đặc biệt là UNCLOS không có nội dung nào quy định chủ quyền đối với đảo nằm trên vùng đặc quyền kinh tế lại thuộc quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế đó. Một đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển, vẫn có thể thuộc chủ quyền về nước khác.

Theo quy định của UNCLOS, chủ quyền đối với đảo sinh ra những quyền chủ quyền và quyền tài phán trong khu vực gọi là vùng đặc quyền kinh tế, và vùng đặc quyền kinh tế có thể là hệ quả của chủ quyền đối với đảo, chứ vùng đặc quyền kinh tế không sinh ra chủ quyền đối với đảo.

Vì vậy, lập luận của Malaysia rằng một số đảo đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thuộc về Malaysia vì các đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này là không đúng. Đây là lập luận sai lầm và không có giá trị pháp lý quốc tế, đồng thời trái với các quy định của luật pháp quốc tế, trái với luật biển quốc tế đặc biệt là những quy định của UNCLOS.

Chủ quyền quốc gia đối với đảo không dựa trên sự khám phá ra đảo đó trước nhất

Phương thức thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc quyền phát hiện hay còn gọi là quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho quốc gia đầu tiên phát hiện ra nó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không giúp xác định chủ quyền cho một quốc gia đã tuyên bố phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên.

Bởi vì, trên thực tế, người ta không thể xác định được một cách cụ thể thế nào là phát hiện đầu tiên, ai là người đã phát hiện trước và lấy gì để ghi nhận hành vi phát hiện đó v.v...Vì vậy, việc phát hiện này về sau được bổ sung thêm nội dung là phải để lại dấu tích cụ thể trên vùng lãnh thổ mới được phát hiện.

Với sự bổ sung này, quyền ưu tiên chiếm hữu được đổi thành nguyên tắc chiếm hữu danh nghĩa. Tuy vậy, nguyên tắc chiếm hữu danh nghĩa vẫn không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng đất hứa, đặc biệt là các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng trăm, hàng nghìn hải lý.

Mặt khác, người ta cũng không thể lý giải được danh nghĩa hay danh nghĩa lịch sử cụ thể là gì, được hình thành từ bao giờ và đã tồn tại như thế nào? Vì thế, trong thực tế, nguyên tắc này đã không còn được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cho dù hiện tại vẫn còn một số quốc gia cố tình bám lấy nó để bảo vệ cho những yêu sách lãnh thổ vô lý của mình.

Thực tiễn của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của UNCLOS đã quy định rất rõ đó là: việc khám phá chỉ dẫn tới thụ đắc chủ quyền nếu nó đi đôi với hành động của nhà nước để khẳng định chủ quyền. Ngay cả trong trường hợp đó, điều dẫn đến sự thụ đắc chủ quyền là hành động của nhà nước để khẳng định chủ quyền chứ không phải là sự khám phá. Sự khám phá của cá nhân đối với một vùng lãnh thổ không dẫn đến chủ quyền của quốc gia mà cá nhân mang quốc tịch của quốc gia đó khám phá ra nó.

Một trong những lập luận mà Trung Quốc đưa ra để nói rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về nước này, vì người Trung Quốc là dân tộc đầu tiên khám phá ra hai quần đảo này. Luận điểm này hoàn toàn không đúng vì:

Thứ nhất, không tồn tại chứng cứ gì để chứng minh rằng người Trung Quốc đã khám phá ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế hiện đại quy định điều dẫn đến chủ quyền là hành động của nhà nước để khẳng định và duy trì chủ quyền chứ không phải là sự khám phá của một cá nhân.

Hiện nay, với lợi thế là quốc gia có nguồn sử liệu lâu đời phong phú hơn nguồn sử liệu còn tồn tại của một số quốc gia khác ở Đông Nam Á, Trung Quốc cũng đưa ra lập luận rằng nước này là nước đầu tiên đã từng viết và vẽ bản đồ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên thứ nhất, Trung Quốc không chứng minh được rằng các đảo trong nguồn sử liệu, bản đồ đầu tiên này chính là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ hai, giả sử rằng các đảo trong nguồn sử liệu, bản đồ đầu tiên này có là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đi chăng nữa, thì sự tồn tại của nguồn sử liệu, bản đồ đầu tiên cũng không có nghĩa là người Trung Quốc biết và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước dân tộc Việt Nam.

Căn cứ vào những nguồn sử liệu khách quan Việt Nam là quốc gia đầu tiên khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo khi nó còn là vô chủ và chưa thuộc chủ quyền về bất kỳ một nước nào. Thứ thứ ba là, luật pháp quốc tế hiện đại quy định điều dẫn đến chủ quyền là hành động của nhà nước để khẳng định và duy trì chủ quyền chứ không phải là sự tồn tại của nguồn sử liệu hay bản đồ đầu tiên.

Áp dụng cho những nguyên tắc trên trong vụ phân xử tranh chấp chủ quyền đối với đảo Sidapan và Ligitan giữa Malaysia và Indonesia năm 2003, Toà án Quốc tế đã loại bỏ tất cả lập luận của hai bên dựa trên các tài liệu, bản đồ thời thuộc địa. Phán quyết của Toà cũng không dựa trên sự khám phá của cá nhân. Toà phán quyết rằng hai đảo này thuộc về Malaysia vì nước này đã thực thi chủ quyền một cách hoà bình trong 88 năm trước khi Indonesia phản đối vào năm 1969.

Hành động của cá nhân không phải là cơ sở chủ quyền

Như đã phân tích ở trên, cơ sở của chủ quyền là hành động của nhà nước để khẳng định và duy trì chủ quyền, không thuộc về cá nhân.

Một trong những lập luận mà Trung Quốc đưa ra là người Trung Quốc đã khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời cổ xưa, và khi người Pháp tới quần đảo Trường Sa vào thập niên 1930 thì họ thấy ngư dân Trung Quốc tạm trú ở đó.

Thứ nhất, không có chứng cứ để chứng minh rằng người Trung Quốc ra khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời cổ xưa.

Thứ hai, không có chứng cứ để chứng minh rằng khi người Trung Quốc khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì dân tộc Việt Nam không khai thác ở hai quần đảo này.

Thứ ba, hành động của cá nhân khai thác hai quần đảo này không phải là hành động ở cấp nhà nước để khẳng định và duy trì chủ quyền về phương diện nhà nước theo như quy định của hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại.

Chiếm đóng bằng vũ lực không được luật pháp quốc tế công nhận là thụ đắc chủ quyền, không có giá trị pháp lý quốc tế

Qua lịch sử cho thấy, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa từ năm 1956, và đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, cho đến nay toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Như đã phân tích, trong thế giới hiện đại, luật pháp quốc tế không công nhận việc thụ đắc chủ quyền bằng chinh phục hay xâm lược.

Ví dụ, Nghi quyết số 2625 ngày 24 - 10 - 1974 của Đại hội đồng Liên hợp quốc Tuyên bố về Những nguyên tắc của công pháp quốc tế về quan hệ và cộng tác giữa các nước theo Hiến chương Liên hợp quốc quy định: Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự sau khi sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương liên hợp quốc.

Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự thụ đắc bởi một quốc gia khác tiếp sau việc sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Không một sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ được công nhận là hợp pháp. Cho tới nay, trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì những tuyên bố chủ quyền và những hành động của các Chúa Nguyễn đến Triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam là những chứng cứ sớm nhất đã được đưa ra về hành động ở cấp nhà nước để khẳng định và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cho tới nay, Trung Quốc chưa đưa ra được những chứng cứ có cơ sở khoa học nào để chứng minh một cách rõ ràng về giai đoạn trước thế kỷ XX, Trung Quốc đã có hành động ở cấp nhà nước về khẳng định và thực thi chủ quyền của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bác bỏ quan điểm phi lý đối với các vùng biển, đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711707399 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711707399 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10