Năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng Bạc Liêu vẫn lập nên những kỳ tích đáng tự hào.
Đó chính là niềm tin, là động lực khơi dậy lòng quyết tâm trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
>>Vincom đồng loạt khai trương 2 trung tâm thương mại mới tại Tiền Giang và Bạc Liêu
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu là cụ thể hóa những khát vọng của mọi người con quê hương Bạc Liêu về triển vọng tốt đẹp của vùng đất được mệnh danh là "quê hương" của bài ca "Vọng cổ".
- Hôm nay khi đến Bạc Liêu, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng về một Bạc Liêu phồn vinh sánh vai ngang hàng cùng các địa phương trong vùng và cả nước. Đây là điểm tựa để Bạc Liêu hướng đến những mục tiêu lớn hơn, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, thưa ông?
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, Bạc Liêu đã xác định rõ chủ trương tiếp tục thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Theo đó, tỉnh xác định sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế tại địa phương.
Tỉnh cũng luôn chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị, cụm dân cư ven biển, với huyện Đông Hải thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư các dự án công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao như xây dựng hoàn thành và đưa “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” vào hoạt động hiệu quả; tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu và các dự án điện gió đã được nhà đầu tư đăng ký.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bạc Liêu sẽ kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển, phòng chống thiên tai, và củng cố quốc phòng, an ninh...
Phương châm của Bạc Liêu là “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm”.
- Từng bước nâng cấp đô thị, đồng thời gìn giữ được bản sắc riêng của từng địa phương vừa là nhiệm vụ, vừa là động lực của Bạc Liêu trong mọi giai đoạn, thưa ông?
Hiện Bạc Liêu đang tập trung đột phá, ưu tiên phát triển một số ngành kinh tế trọng điểm và từng bước nâng cấp đô thị để tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị và hạ tầng đô thị hiện đại, thân thiện môi trường. Đặc biệt, tỉnh sớm hoàn thiện chương trình phát triển đô thị cho thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và từng huyện; từng bước xây dựng các đô thị trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, mang nét đặc trưng của sông nước Đồng bằng sông Cưu Long.
>>Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu hoàn thành, chính thức phát điện thương mại
Để Bạc Liêu tiếp tục giàu từ biển, mạnh từ biển, tỉnh cũng đã có những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ TTHC trong thực hiện dự án đầu tư (quy hoạch, xây dựng, đất đai...) là quan trọng. Tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là lợi thế về kinh tế biển. Nhất là, phát huy thế mạnh về văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử, và triển khai đầu tư vào nền kinh tế du lịch địa phương.
- Với mục tiêu sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bạc Liêu đang tích cực đưa ra nhiều chính sách kêu gọi, ưu đãi đầu tư cho các dự án trọng điểm, thưa ông?
Ngay sau khi dịch trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, những cơ hội lớn cho công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư mở ra. Tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 với 152 danh mục dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng về lợi thế năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí. Đối với phát triển du lịch, tỉnh phát triển du lịch với dịch vụ, y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển.
Không chỉ vậy, Bạc Liêu là tỉnh nằm trong danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư. Tỉnh có 07 đơn vị hành chính thì đã có 06 đơn vị là địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và 01 địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn. Vì vậy, khi các doanh nghiệp đầu tư dự án tại tỉnh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất.
- Hiện nay các nhà đầu tư rất e ngại vấn đề chậm đền bù giải phóng mặt bằng tại các địa phương. Bạc Liêu đã nỗ lực giải quyết "nút thắt" này ra sao, thưa ông?
Để tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư và tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề này, tỉnh đã đề ra những giải pháp, trong đó chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực thực hiện dự án, nhất là các hộ dân có đất bị thu hồi để sớm bàn giao mặt bằng sạch. Cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư các dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ chủ trương đầu tư...
Với những giải pháp không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng với sự cầu thị của lãnh đạo các cấp của tỉnh và sự tận tụy của những cán bộ trực tiếp thực hiện các TTHC, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu luôn được tư vấn, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng các TTHC, với phương châm “thuận lợi - nhanh chóng và thân thiện”. Đặc biệt, cam kết của tỉnh “Nói không với các chi phí không chính thức”. Tỉnh nhất quán phương châm “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm”. Chúng tôi, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về TTHC, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu lâu dài của nhà đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm