Kinh tế địa phương

Bạc Liêu phát triển nông nghiệp bền vững

Phương Anh 05/12/2024 17:54

Tỉnh Bạc Liêu xác định phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Khu sản xuất tôm giống công nghệ cao Việt Úc Bạc Liêu (1)
Khu sản xuất tôm giống công nghệ cao Việt Úc Bạc Liêu

Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã có sự phát triển vượt bậc, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ cột” trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tập trung triển khai các giải pháp xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Không chỉ sản xuất lúa, Bạc Liêu còn là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm công nghệ cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có hơn 145.200ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh hơn 9.800ha. Ngành chức năng cũng đã cấp hơn 20.000 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 39.900ha nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” đã hoàn thành, hướng đến xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước… Đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút được 39 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (trong đó, có 34 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 3.881 tỷ đồng: 05 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 42,2 triệu USD).

Thời gian qua, các đơn vị chức năng tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện nuôi trồng thủy sản, thực hiện công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu… Hoạt động khai thác thủy sản biển được tăng cường với nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân phòng tránh rủi ro, yên tâm ra khơi, bám biển. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tuyên truyền đến người dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...

Năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như: tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 553.500 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng 434.100 tấn, sản lượng khai thác 119.400 tấn; tổng số tàu thuyền đánh bắt thủy sản đăng ký, đăng kiểm 888 chiếc, tổng công suất 205.072CV. Diện tích gieo trồng lúa 180.564ha, sản lượng 1.150.000 tấn; cây thực phẩm 18.050ha, sản lượng 197.200 tấn; cây ăn quả 5.825ha, sản lượng 51.900 tấn. Chăn nuôi gia súc hơn 221.300 con và đàn gia cầm hơn 3,49 triệu con. Diện tích sản xuất muối 1.389ha, sản lượng 25.000 tấn…

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Là một tỉnh thuần nông, lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ lực trong định hướng phát triển, Bạc Liêu đề ra mục tiêu chung là: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và xây dựng kế hoạch cơ cấu lại trong nội bộ ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, góp phần đảm bảo phát triển bền vững.
Tỉnh tập trung đầu tư khai thác theo chiều sâu về tiềm năng và thế mạnh của sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản với mũi nhọn là con tôm; phát triển nông nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo...

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm, chế biến muối chuyên sâu… đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến, thương mại nông sản và du lịch nông nghiệp; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, số hóa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, cơ giới đồng bộ trong nông nghiệp.

Theo Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, với mô hình “lúa thơm - tôm sạch”, con tôm và hạt lúa của Bạc Liêu đã được nhiều người biết đến và tin dùng. Tới đây, tỉnh sẽ tập trung chế biến, quảng bá, nâng cao giá trị hạt muối Bạc Liêu và xem đây là một mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong định hướng phát triển, để không chỉ giúp diêm dân có thu nhập ổn định, mà còn tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh nông sản, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp đô thị để góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh và dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
Bạc Liêu cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, ngư dân; khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tôm giống, từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín của vùng ĐBSCL. Tỉnh cũng nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm sạch, nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bạc Liêu phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO