Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mang ý nghĩa “sống còn” với các doanh nghiệp; là động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
>>> Kinh tế Bắc Ninh khởi sắc trở lại
Từ kết quả khảo sát trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn; cần được hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn từ chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh để vượt “sóng”.
Chính quyền – doanh nghiệp hợp tác để cùng phát triển
Ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, 2024 là năm tiếp theo nền kinh tế Việt Nam chạm đáy khó khăn do tác động dai dẳng, kéo dài của đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự, lạm phát thế giới ở mức cao. Cùng với đó, chi tiêu thắt chặt khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, các ngành nghề chững lại chưa có dấu hiệu phục hồi, điển hình là lĩnh vực bất động sản. Kết quả đánh giá PCI 2023 đã phần nào thể hiện được thực trạng này.
Đối với tỉnh Bắc Ninh thời gian qua, chính quyền địa phương đã thể hiện rõ sự quan tâm và quyết tâm về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, đâu đó vẫn còn tình trạng chồng chéo trong các quy định của pháp luật khiến các dự án đầu tư của doanh nghiệp gặp khó. Tâm lý “e ngại” của một số cán bộ, công chức tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính dẫn tới thời gian bị kéo dài, giảm chi phí cơ hội cho doanh nghiệp. Năm 2023, thứ hạng PCI của Bắc Ninh bị sụt giảm sau nhiều năm liên tiếp giữ vị trí cao phần nào minh chứng cho điều này (Một số chỉ số thành phần có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm, như: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp,…).
Do đó, để Bắc Ninh sớm quay trở lại Top các địa phương có chất lượng điều hành tốt của cả nước, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Bắc Ninh cho rằng, chính quyền các cấp cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cần có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hơn nữa trong việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Việc cần làm ngay bây giờ là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội, thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh để họ phấn khởi, yên tâm tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động tuân thủ đúng quy định; tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp, linh hoạt trong sản xuất, chú trọng đầu tư các phương tiện, máy móc, thiết bị cần thiết, tăng cường xúc tiến thương mại để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Kiểm soát, siết chặt hoạt động của xe dù, xe ghép
Công ty cổ phần thương mại du lịch Thịnh Phát là doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, như: Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng taxi; Dịch vụ chăm sóc xe, sửa chữa ô tô; Sản xuất thanh nhôm định hình. Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp đang phải trải qua giai đoạn khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tuy nhiên vẫn cố gắng duy trì hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, khách hàng sụt giảm, kinh doanh thương mại bị chững lại mà việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp còn khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền tỉnh để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.
Bàn về hoạt động vận tải khách bằng taxi, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và thành phố Bắc Ninh, tình trạng xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình, xe ghép vẫn còn hoạt động khá nhức nhối, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, khó kiểm soát và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động chân chính.
Các loại xe làm dịch vụ này không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, không được cấp phù hiệu, biển hiệu. Đây là hình thức biến tướng của xe “dù” hoạt động không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Trong khi hoạt động kinh doanh vận tải hành khách truyền thống phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước thì loại hình xe ghép, xe tiện chuyến lại chạy liên tục, đưa, đón khách, dừng, đỗ bất cứ địa điểm nào, ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Bên cạnh mang lại những lợi ích trước mắt cho khách hàng, việc nở rộ hình thức xe ghép, xe tiện chuyến không chỉ làm rối loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách chính thống. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Bắc Ninh có những giải pháp kiểm soát, xử lý nghiêm khắc, triệt để những loại hình xe này, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo không thất thu thuế của nhà nước và bảo vệ doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc tổ chức giao thông tại một số tuyến phố của thành phố Bắc Ninh (như Ngọc Hân Công Chúa…) cấm xe taxi hoạt động. Theo ông Vũ, đây chưa phải là giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc giao thông. Lý do bởi, với phương thức điều hành bằng ứng dụng công nghệ hiện nay, xe taxi không còn chạy thủ công đi bắt khách mà chỉ đón khách bằng công nghệ giải pháp kết nối vừa thuận lợi cho khách hàng vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp... Ông Vũ bày tỏ quan điểm, xe taxi được xác định là loại hình xe kinh doanh công cộng, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, vì vậy taxi cũng cần được sử dụng hạ tầng giao thông công cộng một cách công bằng.
>>> Tỉnh Bắc Ninh quyết tâm cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương
>>> Bắc Ninh: Kỳ vọng dự án của KCN Việt Nam sẽ "hút" vốn FDI
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng, room tín dụng
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Vụ - Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Điện tự động hóa Hữu Vụ cho rằng, Bắc Ninh được biết đến là một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tốc độ phát triển doanh nghiệp và kinh tế - xã hội ở mức cao. Đồng thời, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc mở cửa hội nhập quốc tế, tranh thủ chính sách để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong xúc tiến thương mại và đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã mạnh mẽ thực hiện cải cách thủ tục hành chính; dành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cả ở trong và ngoài nước đang hiện hữu và quan tâm đầu tư vào tỉnh.
Trong quá trình hoạt động, ông Vụ cho biết, doanh nghiệp gặp phải một số khó khăn, mong được các cấp chính quyền tỉnh quan tâm, tháo gỡ. Cụ thể, về vốn lưu động, hiện tại doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư thêm máy móc và công nghệ nhưng Room tín dụng đã hết hạn mức (các tài sản đã gửi hết ngân hàng mà định giá của ngân hàng đối với các tài sản đó thời gian qua thấp đi). Hơn nữa, các khoản tín dụng của ngân hàng chỉ dành cho vay để mua vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất, mà không cho vay mua máy sản xuất. Một số quỹ tín dụng cho vay mua máy thì lãi suất rất cao 10-12%/năm, dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp không tiếp cận được.
Về quỹ đất phát triển sản xuất, hiện tại doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng quy mô diện tích nhà xưởng từ 3000-5000 m2. Tuy nhiên, theo quy định tại các cụm công nghiệp, doanh nghiệp muốn thuê mặt bằng thì diện tích tối thiểu cần đạt là 10.000m2. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không đủ tiềm lực để thuê và triển khai xây dựng.
Doanh nghiệp Hữu Vụ rất mong các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh và các chủ đầu tư cụm công nghiệp xem xét, quy hoạch các cụm công nghiệp dành riêng cho hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chia các lô có diện tích 1000 m2, 2000m2, 3000 m2, 5000 m2 để các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Vụ cho rằng, các cơ quan chức năng cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về quản lý và vận hành trên nền tảng số, các phần mềm quản trị, đào tạo quản lý vận hành doanh nghiệp; tạo ra một sàn thương mại điện tử dành riêng cho các doanh nghiệp trong tỉnh để các doanh nghiệp có thể thường xuyên kết nối giao lưu và sử dụng lẫn các sản phẩm của nhau.
Môi trường kinh doanh là “sống còn” với doanh nghiệp
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Ninh, bà Đoàn Thị Nhài – Giám đốc công ty TNHH Thang máy Phúc Thành cho hay, doanh nghiệp muốn phát triển, lớn mạnh, ngoài việc tự đổi mới, sáng tạo, tìm ra những con đường kinh doanh mới thì rất cần sự chung tay, đồng hành của các cấp chính quyền địa phương. Do đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính quyền tỉnh không những kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, đó còn là yếu tố mang tính “sống còn” đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Có thể nói, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã rất lắng nghe ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp và có phản ứng chính sách rất kịp thời. Nhiều nút thắt về thể chế, môi trường kinh doanh đã được tháo gỡ, giúp khó khăn của doanh nghiệp được giảm bớt. Không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý còn hỗ trợ mở ra không gian phát triển thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt trong việc tiếp cận các đối tác, khách hàng FDI tiềm năng.
“Ngoài ra, nhằm tạo ra những lợi thế so sánh động, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI, tỉnh Bắc Ninh chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được chính quyền tỉnh thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành”, bà Nhài chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
40,7% doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý III sẽ tốt lên
11:30, 29/06/2024
Gần 20.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng
09:55, 29/06/2024
Doanh nghiệp loay hoay với AI
04:20, 29/06/2024
Hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh: Nâng tầm quy mô tổ chức kinh doanh
03:50, 29/06/2024
Giải pháp để doanh nghiệp thực hiện tốt ESG
02:00, 29/06/2024
Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chất và lượng
00:30, 29/06/2024
Hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh: Cần sớm xem xét giảm thuế TNDN
11:20, 28/06/2024