Bắc Ninh là địa phương tiên phong, thu hút FDI sớm và chọn lọc được những dự án quy mô lớn, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định: Đổi mới xúc tiến đầu tư nước ngoài là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng.
Việc đổi mới giúp nâng cao hiệu quả thu hút các nguồn vốn FDI chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dựa vào những ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tài nguyên.
Đồng thời, chiến lược xúc tiến đầu tư của tỉnh cần chú trọng xây dựng hình ảnh địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức hấp dẫn dài hạn cho các nhà đầu tư.
Trong năm 2024, hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài của tỉnh Bắc Ninh đã mang lại những kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Tỉnh đã đón nhận một loạt dự án lớn từ các tập đoàn như Samsung, Foxconn, Amkor và Goertek với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD. Các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, đô thị sinh thái và thương mại đã giúp tỉnh khẳng định vị thế là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu cả nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm qua, Bắc Ninh đã triển khai chiến lược xúc tiến đầu tư đa dạng, từ việc đón tiếp các đoàn công tác nước ngoài, tham gia hội nghị xúc tiến quốc tế đến cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Chính quyền tỉnh không chỉ tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với doanh nghiệp mà còn cam kết xử lý nhanh chóng các vướng mắc thông qua nhiều kênh thông tin. Điều này tạo sự tin cậy lớn từ các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức.
Những nỗ lực cải cách hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp đã giúp Bắc Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP 5% trong năm nay (ước đạt 230,2 nghìn tỷ đồng), đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 4,8 tỷ USD, tăng 2,9 lần so cùng kỳ, đứng thứ nhất cả nước; thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 3 lần. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với dự toán, tăng 13,92% so cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng, tăng 14,8%....
Đây là tín hiệu vui mừng, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Trong đó có nhiều điểm sáng trong một số lĩnh vực (thu hút đầu tư, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ: văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, môi trường...).
Tỉnh Bắc Ninh đã đạt nhiều thành công trong thu hút FDI nhờ môi trường kinh doanh hấp dẫn và các dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, tỉnh cũng thẳng thắn nhận diện một số điểm nghẽn cần giải quyết để duy trì và nâng cao sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Manish Jaitha (Ấn Độ), Chủ tịch công ty TNHH Spica Elastic Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp FDI hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn trong việc tìm mặt bằng và hiện tại chi phí thuê cũng khá cao so với các tỉnh khác. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy của Việt Nam tương đương với các nước phát triển, với sự kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn và quy định. Điều này tuy tốt nhưng không không khả thi và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng đúng quy chuẩn.
Trong khi đó, ông Ju Fengwu (Trung Quốc), Giám đốc công ty TNHH kĩ thuật công nghiệp Đại Điền (KCN Tiên Sơn) cho rằng, có một số thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, mất nhiều thời gian, chưa thông thoáng và điều này dẫn đến nhiều sự chậm trễ, có thể ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn ông Chou I Wen, Tổng Giám đốc – phụ trách tổng bộ Foxconn Việt Nam cho biết, doanh nghiệp mong muốn tỉnh Bắc Ninh cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông bằng cách nâng cấp và mở rộng các tuyến đường kết nối giữa các khu công nghiệp nhằm tăng cường khả năng vận chuyển và giao thương hàng hóa.
Theo ông Chou I Wen, tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hợp tác với các trường Đại học, cơ sở đào tạo nghề để cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu kĩ thuật của các ngành công nghiệp hiện đại. Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang là “điểm nghẽn” chung tại các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay.