Ngày 16/11/2024, tỉnh Bắc Ninh tổ chức gặp mặt Doanh nhân chuyên đề tháng 11 về phát triển và quản lý chợ, với thông điệp “Chia sẻ thông tin – cùng doanh nghiệp phát triển”.
Với tinh thần “4 cùng” Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, đó là: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu”, “cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng” và “cùng phát triển” và tinh thần của chính quyền tỉnh: “Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, thông điệp chung của Chương trình gặp gỡ doanh nhân hàng tháng năm 2024 là “Kết nối niềm tin, cùng doanh nhân tiến bước”.
Công tác thu hút đầu tư chợ
Tại Bắc Ninh, hệ thống chợ đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, việc xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 106 chợ, với chức năng chủ yếu là bán lẻ hàng hoá thiết yếu và thực phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, đa số chợ có quy mô nhỏ, chưa có chợ đầu mối thực hiện chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hoá. Hầu hết các chợ do UBND cấp xã quản lý, thường giao cho các Tổ quản lý chợ đều không được sự tự chủ về tài chính nên không phát huy được tính chủ động sáng tạo cũng như chưa phát huy được hiệu quả của cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý chợ.
Về chi phí đầu tư xây dựng dự án chợ rất lớn, phải huy động nguồn vốn nhiều, trong việc quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình chợ, nhất là khu vực nông thôn không mang lại nhiều lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn chậm nên khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư có năng lực.
Đồng thời, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án nói chung còn vướng mắc, kéo dài như chưa thống nhất mức giá đền bù… điều này càng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư dự án chợ.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, sự phối kết hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động các thương nhân vào kinh doanh trong chợ chưa thường xuyên, liên tục, chưa gắn với lợi ích của thương nhân nên thương nhân không vào kinh doanh trong chợ mà tổ chức mua bán hàng hoá trước chợ hoặc lề đường cạnh chợ, gây mất an toàn giao thông. Những khó khăn, vướng mắc này đang là rào cản đối với các nhà đầu tư chợ, kìm hãm sự phát triển hệ thống chợ của tỉnh.
Do đó, buổi gặp gỡ doanh nhân hàng tháng liên quan đến chủ đề Phát triển và quản lý chợ sẽ giới thiệu một số quy định mới về Nghị định 60/2024/NĐ-CP năm 2024 của Chính phủ (Nghị định 60); Văn bản số 3283/UBND-XDCB của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 60 về phát triển và quản lý chợ; Cung cấp thông tin chính về nội dung phát triển chợ được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ
Ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, chương trình gặp mặt nhằm trao đổi, chia sẻ và tương tác trực tiếp giữa chính quyền tỉnh và doanh nhân, đại diện doanh nghiệp/HTX/Ban/tổ quản lý chợ, đại diện các đơn vị đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác kinh doanh chợ. Đồng thời thông qua Chương trình sẽ thực hiện hướng dẫn, chia sẻ thông tin, tiếp thu đưa ra giải pháp mới, sáng tạo, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và quản lý chợ, góp phần thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các chợ trên địa bàn tỉnh được khang trang, sạch đẹp, an toàn, đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại.
Ông Khải cho rằng, các sở, ngành, địa phương thời gian qua còn chưa sâu sát, chưa thực hiện trách nhiệm với nhau trong quá trình quản lý và phát triển hệ thống chợ, sau buổi hôm nay tỉnh sẽ theo dõi các sở ngành trả lời 12 kiến nghị như thế nào.
Tại buổi gặp mặt, đại diện chính quyền thành phố Từ Sơn đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn triển khai, rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Giải đáp việc này, ông Nguyễn Xuân Đương, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Để đảm bảo kết cấu hạ tầng chợ theo hình thức đầu tư, quản lý và khai thác theo Nghị định 60 quy định đối tượng quản lý, sử dụng chợ được quyền thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật, giá trị, thực hiện chiết khấu hao mòn, bảo trì tài sản theo quy định. Khai thác công khai, minh bạch, hiệu quả các tổ chức, doanh nghiệp đang được giao quản lý hạ tầng chợ phải thực hiện rà soát hồ sơ quản lý theo Điều 18, Nghị định 60.
Bàn về việc thanh lý tài sản công tại các chợ, ông Nguyễn Hữu Đông, Trưởng ban quản lý chợ thành phố Bắc Ninh cho rằng, hiện nay còn nhiều vướng mắc trong quá trình đầu tư chợ trên địa bàn. Sau khi Nghị định 60 có hiệu lực đã có nhiều quy định gợi mở cho đầu tư phát triển chợ, nhưng do phần lớn chợ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh là tài sản công, việc thanh lý tài sản công này được thực hiện như thế nào để các doanh nghiệp có thể vào đầu tư?
Ông Nguyễn Xuân Đương, Giám đốc Sở Tài chính giải đáp: Việc thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định tại Điều 30, Nghị định 60. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định hình thức xử lý bán tài sản kết cấu hạ tầng chợ, nhưng có quy định trường hợp đất gắn với tài sản hạ tầng chợ thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai. Theo đó, các tường hợp chợ do UBND thành phố Bắc Ninh đầu tư, quản lý thuộc trường hợp này thì UBND thành phố phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường để triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Anh Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh nêu ý kiến: Bắc Ninh có rất nhiều sản phẩm OCOP đang bán trên thị trường. Tuy nhiên hoạt động thương mại điện tử các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn do các yếu tố khách quan, chi phí vận chuyển, quy trình bảo quản. Các thương nhân mong muốn tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu xây dựng các điểm bán tại trung tâm thương mại, các chợ trung tâm cấp huyện để tạo không gian riêng quảng bá sản phẩm OCOP.
Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho răng, liên quan đến việc hình thành trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, 5 đơn vị hành chính phía Bắc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có quy hoạch phân khu phủ kín 100%; theo quy hoạch đã bố trí nhiều khu vực để phát triển trung tâm thương mại, siêu thị. Do đó, đề nghị CLB khởi nghiệp liên hệ UBND cấp huyện cung cấp thông tin quy hoạch để nghiên cứu quỹ đất đầu tư xây dựng trung tâm thương mại. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp để báo cáo UBD tỉnh xem xét, quyết định.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Giám đốc công ty CP thương mại 69 Tuấn Hải (thị xã Thuận Thành) nêu ký kiến: Ngày 05/7/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 1065 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh khai thác chợ dân sinh kết hợp bãi đỗ xe xã Trí Quả, huyện Thuận Thành (nay là phường Trí Quả, thị xã Thuận Thành). Dự án có quy mô 3,3ha, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, đến nay công ty Tuấn Hải đã thực hiện đầu tư 81,5 tỷ đồng (đạt 91%). Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Thêm vào đó, một phần diện tích chợ chưa được giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp kiến nghị chinh quyền tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án theo quy định; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại để doanh nghiệp sớm triển khai đầu tư.
Cũng liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư chợ, ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch Hợp tác xã đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An – Châu Cầu cho biết, dự án chợ Châu Cầu tại xã Châu Phong, thị xã Quế Võ được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2020 và hoàn thành dự án, đi vào hoạt động quý 4/2022. Thời điểm này diễn ra dịch Covid-19, hoàn toàn do yếu tố khách quan, nên ông Đoàn nêu câu hỏi: trường hợp này dự án bị chậm tiến độ thì có được coi là trường hợp bất khả kháng hay không?
Hơn nữa, dự án chợ Châu Cầu đã được bàn giao 22.607 m2. Diện tích chưa được bàn giao là hơn 397 m2. Khi nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025 thì dự án có được tính là chậm đưa đất vào sử dụng hay không?
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định rõ ràng trong thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2021 đối những trường hợp triển khai thực hiện dự án vướng dịch bệnh, thì được kéo dài thêm và đối với chợ Châu Cầu thì đủ điều kiện để gia hạn theo đúng hồ sơ thẩm định của dự án. Nếu đơn vị có nhu cầu thì làm hồ sơ theo đúng trình tự để chúng tôi làm căn cứ báo cáo các cấp theo đúng thẩm quyền quy định.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Chiến, Giám đốc công ty TNHH Ki Ba - chủ đầu tư chợ Kiêu tại thành phố Từ Sơn cho biết, doanh nghiệp được cấp quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 2018. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp rất nhiều vướng mắc nên việc triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh Hồ Nguyên Hồng giải đáp: Việc chính quyền tỉnh giao đất thành nhiều lần cho doanh nghiệp giai đoạn trước là những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, những trường hợp dự án đầu tư chợ đang bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, sẽ được các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh sớm thực hiện quyết liệt, đôn đốc các trường hợp thuộc diện thu hồi đất sớm bàn giao đất cho dự án.
Kết luận tại hội ghị, ông Vương Quốc Tuấn, Uỷ viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu từ nay đến 30/12/2024, các cơ quan chức năng cần rà soát hiện trạng những chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư từ đâu. Yêu cầu các chợ đang hoạt động xây dựng lộ trình tới năm 2027 củng cố yếu tố kỹ thật an toàn về PCCC, trên cơ sở quy hoạch xây dựng lộ trình về thu hút đầu tư; quy hoạch dịch vụ chợ. Trên quan điểm tập trung thu hút đầu từ từ nay 2027 và lộ trình 2030 xây dựng kế hoạch cụ thể của từng chợ về thời gian chuyển đổi, mô hình phối hợp lựa chọn nhà đầu tư, qua đó có vướng mắc gì để tỉnh cùng tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Sở Công thương có trách nhiệm tập hợp, chậm nhất đến 25/11/2024 trả lời cụ thể công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để gửi đến từng doanh nghiệp có ý kiến tại hội nghị hôm nay. Sở Công thương cần hoàn thành hướng dẫn cụ thể đối với từng mô hình chuyển đổi, để các nhà đầu tư quan tâm; các thức vận hành sau đầu tư để đạt hiệu quả.