Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới mô hình phát triển bền vững, việc giữ vững vị thế tăng trưởng song song với phát triển xanh trở thành bài toán cấp thiết.
Trong nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn là cái tên nổi bật trên bản đồ phát triển công nghiệp của Việt Nam với tốc độ công nghiệp hóa nhanh, hạ tầng đồng bộ và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới mô hình phát triển bền vững, việc giữ vững vị thế tăng trưởng song song với bảo vệ môi trường và phát triển xanh trở thành bài toán phức tạp nhưng cấp thiết. Chính vì vậy, Bắc Ninh đang kiến tạo một chiến lược mới với tư duy đột phá: Phát triển kinh tế xanh, thu hút đầu tư xanh và nâng cao chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) như một định hướng dài hạn.
PGI – Kim chỉ nam cho chiến lược phát triển bền vững
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn: “Tỉnh xác định rất rõ phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Là thước đo mới cho mức độ thân thiện môi trường của các địa phương trong quá trình điều hành kinh tế, PGI không đơn thuần là một bảng xếp hạng, mà đã nhanh chóng trở thành kim chỉ nam cho các tỉnh/thành phố trong việc xây dựng định hướng phát triển bền vững. Bắc Ninh, với bản lĩnh của một tỉnh công nghiệp đi trước, không né tránh khó khăn, mà chủ động xác lập PGI như một mục tiêu hành động trung tâm. Bắc Ninh cam kết trở thành điểm đến không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn thân thiện với môi trường, nơi mà doanh nghiệp “xanh” có thể an tâm đầu tư lâu dài”.
Thực tế cho thấy, Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh nhất Việt Nam. Tỉnh hiện có hơn 16 khu công nghiệp tập trung, với hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Amkor… góp phần đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng FDI. Tuy nhiên, cũng chính vì phát triển công nghiệp quá nhanh, Bắc Ninh đối diện không ít thách thức về môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Ninh, tỉnh không phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Nếu đánh đổi môi trường để lấy tốc độ tăng trưởng, Bắc Ninh sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Phát triển xanh, sạch, có trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết và cũng là lựa chọn chiến lược.
“Quan điểm của tỉnh là kiên định chọn lọc đầu tư, không chạy theo số lượng mà hướng tới chất lượng và bền vững. Nhiều năm qua, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về môi trường, yêu cầu các chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đầu tư đồng bộ hạ tầng xử lý chất thải và nước thải đạt chuẩn”, lãnh đạo Sở này cho hay.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhấn mạnh trên báo chí rằng: “Sự chuyển đổi từ công xưởng đơn thuần sang trung tâm sản xuất bền vững đòi hỏi tư duy đổi mới từ cấp lãnh đạo địa phương. Bắc Ninh đang đi đúng hướng khi gắn đầu tư với trách nhiệm môi trường, không còn ưu tiên mọi dự án mà chọn lựa nhà đầu tư có năng lực công nghệ, có tầm nhìn dài hạn”.
Nhận định này hoàn toàn phù hợp với những gì Bắc Ninh đang thực hiện. Thay vì chỉ hấp dẫn bằng ưu đãi tài chính, tỉnh chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng hạ tầng, chất lượng phục vụ hành chính và môi trường đầu tư minh bạch.
Tư duy đổi mới và khát vọng vươn mình
Trong quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh đặt mục tiêu hình thành các khu công nghệ cao quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận các dự án sản xuất vi mạch, chip bán dẫn, robot tự động, thiết bị y tế và năng lượng sạch. Những ngành này góp phần giảm phát thải, tạo ra giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, đầu tư vào công nghệ cao là nền tảng để Bắc Ninh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ông chia sẻ: “Chúng tôi không thể tiếp tục chỉ dựa vào lắp ráp và gia công. Bắc Ninh cần trở thành nơi tạo ra công nghệ, sở hữu công nghệ và xuất khẩu trí tuệ. Muốn vậy, chúng tôi phải đi trước một bước trong quy hoạch, chuẩn bị sẵn quỹ đất, hạ tầng, nhân lực và cơ chế chính sách phù hợp”.
Một số tập đoàn công nghệ lớn cũng đang thể hiện sự quan tâm đến định hướng này. Amkor Technology – Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng gói và kiểm định vi mạch đã đầu tư hơn 1,6 tỷ USD vào khu công nghiệp Yên Phong II-C với kỳ vọng biến nơi đây thành trung tâm sản xuất bán dẫn tại Đông Nam Á. Điều này minh chứng cho tiềm năng công nghệ cao của Bắc Ninh và tạo hiệu ứng lan tỏa về mặt nhân lực, chuyển giao công nghệ và chuỗi cung ứng.
Viện Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh nhận định, kết hợp giữa phát triển công nghiệp có chọn lọc, đầu tư vào công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bắc Ninh đang dần hình thành một mô hình tăng trưởng mới – nơi hiệu quả kinh tế đi cùng trách nhiệm môi trường và giá trị xã hội. Tư duy phát triển xanh không chỉ là khẩu hiệu, mà đã trở thành một phần trong cấu trúc chính sách và hành động cụ thể của chính quyền tỉnh.
Trên hành trình đi tới nền kinh tế xanh, Bắc Ninh đang cho thấy sự nghiêm túc trong tư duy, kiên định trong hành động và tầm nhìn chiến lược. Tỉnh đang chuyển mình mạnh mẽ thành một trung tâm phát triển bền vững, xứng đáng là hình mẫu cho các địa phương học hỏi trong thời đại mới.