Để có thể tiếp nhận cuộc chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình nghìn tỷ, những "công chúa, hoàng tử" cần chuẩn bị cả kinh nghiệm quản trị và kinh nghiệm sống.
Trong thế giới thay đổi chóng mặt, “cuộc chơi” đang nghiêng hẳn về những người lãnh đạo trẻ năng động, ưu tú, có tư duy toàn cầu và kinh nghiệm tại Việt Nam, để dẫn dắt đội ngũ của mình tạo nên những kỳ tích, một trong số rất hiếm hoi đó là Đỗ Duy Hiếu.
Tốt nghiệp loại ưu khoa quản trị kinh doanh tài chính, đại học Houston(Mỹ), cô gái nhỏ nhắn Đỗ Duy Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Thép Việt luôn ẩn chứa một “sức mạnh mềm” đầy uy lực. Bắt đầu bằng công việc thấp nhất của phòng tài chính, 4 năm trui rèn, chị đã vươn lên chiếc ghế CEO với một tinh thần thép, góp sức cùng công ty củng cố hệ thống nhân sự, đưa nhà máy luyện thép vào hoạt động, thị phần khởi sắc hơn…
Chia sẻ về kinh nghiệm gia đình trong chuyển giao thế hệ, Đỗ Duy Hiếu nhấn mạnh đến sự chuẩn bị cả về kinh nghiệm sống và kinh nghiệm quản trị, để có thể tiếp nhận cuộc chuyển giao thế hệ này: “Từ bé, một cách rất tự nhiên, tôi đã có cơ hội cảm nhận và tiếp cận công việc kinh doanh của cha mẹ trong lúc ông bà đang trong giai đoạn lập nghiệp. Khi lớn hơn một chút, ông bà chủ yếu dạy tôi các bài học về cuộc sống, cách ứng xử và các kỹ năng khác.
Ông bà khuyên tôi phải nghiêm túc học hành, nâng cao kiến thức, đồng thời khuyến khích tôi tham gia các hoạt động xã hội. Khi tôi tiếp nhận vị trí quản lý cấp trung, ba mẹ tôi cũng thỉnh thoảng góp ý nhẹ nhàng, còn thì để tôi tự giải quyết, có vấp ngã mới biết cách tự đứng lên.
Ba tôi tạo cho tôi cơ hội tìm hiểu công việc, cách vận hành của công ty. Mẹ tôi rất kiên nhẫn giải thích cho tôi nhiều việc rất mơ hồ thuộc phạm trù đúc kết từ kinh nghiệm (nói là “rất kiên nhẫn” bởi vì tôi đôi khi cũng rất cứng đầu).
Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ ba mẹ tôi chủ yếu chuẩn bị để tôi có thể tự đi bằng đôi chân của chính mình, kiểu quẳng đi đâu cũng có thể sống được, còn việc tiếp nhận trách nhiệm mới cũng là một phần trong công việc của tôi".
Điểm lại những doanh nghiệp dẫn đầu, có thể thấy cuộc chuyển giao nào cũng chịu áp lực từ cái bóng quá lớn của người sáng lập, Đỗ Duy Hiếu chi sẻ kinh nghiệm của mình, để có thể vẫn duy trì được điểm mạnh có sẵn, và thổi hồn vào những thay đổi mang tính đột phá.
“Những người sáng lập công ty chắc chắn là những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hình ảnh và các mối quan hệ của công ty đó. Rất thường xuyên, khi tôi có cơ hội gặp gỡ với đối tác hoặc khi tôi tham gia các hoạt động khác, câu nói tôi hay nghe nhất sau khi đối tác đọc tên danh thiếp là “Em là con của anh/chú Thái” hoặc là cháu của chú/cô X (là anh/em của ba tôi).
Tôi không quá sức chú tâm đến việc chịu áp lực từ những cái bóng lớn này, mà tập trung nhất vào hiệu quả công việc. Hơn nữa, “cái bóng lớn” này còn giúp mang lại cho tôi những ấn tượng đầu tiên rất tốt đẹp, việc tôi cần làm là sống và làm việc tử tế.
Đối với nội bộ công ty, phong cách làm việc của tôi chắc chắn có sự khác biệt với những người đi trước, hơn nữa, khi môi trường kinh doanh có sự thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải dịch chuyển để thích ứng. Tôi vẫn trân trọng những giá trị cốt lõi của công ty, những sự thay đổi của tôi chỉ mang tính bổ sung và cập nhật với tình hình hiện tại.
Điểm mạnh của công ty tôi là đội ngũ có nền tảng và kinh nghiệm, vì vậy, tôi khuyến khích mọi người tự đề ra các phát kiến để có thể đạt được hiệu quả trong công việc, hoạch định thời gian cho mọi người hiểu và chấp nhận cái mới, đồng thời sát cánh với họ trong công việc.
Chắc chắn là có tranh luận với cha, bản thân mình cũng có những khuyết điểm, đôi khi rất chi tiết mà hơi cứng nhắc. Thường thì mình cứ nói hết quan điểm của mình trong việc đó, rồi tự suy nghĩ kĩ lại quan điểm của người khác. Nếu thấy mình sai thì thừa nhận ngay, nếu thấy mình đúng thì tìm một cách lập luận khác thuyết phục hơn, hoặc số liệu khác xác thực hơn để thuyết phục sếp.
Có nhân viên của tôi góp ý với tôi rằng đôi khi tôi hiền quá không quản được nhân viên. Tôi nghĩ có thể đây là điểm khác biệt giữa tôi và ba tôi, và tôi cần phải tìm cách làm sao để khắc phục điểm mình còn thiếu sót”.
Nhấn mạnh đến việc hình thành bộ quy tắc ứng xử, Đỗ Duy Hiếu nói: “Xung đột gay gắt giữa hai thế hệ về các giá trị chính là thiếu một bộ quy tắc ứng xử rành mạch trong kinh doanh và gia đình.
Việc đưa quản trị hiện đại vào thay thế quản trị theo sự thuận tiện trước hết cần phải có sự đồng thuận và sự cam kết từ các nhân vật chủ chốt trong doanh nghiệp. Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh và trong gia đình nhất thiết phải được thiết lập, nhưng quan trọng hơn là nó phải được tôn trọng và thực hiện.
Những người sinh năm 1982 trở về sau thường được xếp vào thế hệ Y. Các bạn có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nền văn hóa và giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, có thể đạt được một kiến thức nền tảng tốt, phong cách làm việc hiện đại, khoa học và phong thái tự tin.
Các bạn sẵn sàng đối mặt với thách thức và không ngại lên tiếng bảo vệ quan điểm bản thân. Tuy nhiên, xu hướng cực kì tự tin (quá tự tin) và kỳ vọng rất cao về bản thân và cả người xung quanh có thể gây cản trở đến quá trình học hỏi và trải nghiệm, hoàn thiện bản thân của thế hệ này.
Chúng tôi có thể không đủ khiêm tốn để thật sự lắng nghe và thấu hiểu lời khuyên của những người đi trước. Chúng tôi đôi khi không đủ kiên nhẫn để làm việc với những người thế hệ trước, để vuột mất những cơ hội trải nghiệm bổ ích. Sức chịu đựng khó khăn kém hơn người đi trước cộng với sự cầu toàn trong công việc có thể dẫn đến những xung đột không đáng có và kém hiệu quả trong công việc.
Trong việc xây dựng bộ qui tắc ứng xử của doanh nghiệp gia đình, nên chú trọng đến việc tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Hơn nữa, xây dựng cách quản trị khoa học để có thể minh bạch hóa những đóng góp của từng cá nhân cho thành quả chung của công ty.
Giáo dục các thành viên trong gia đình ngay từ trước khi họ tham gia vào doanh nghiệp gia đình, tạo dựng một nền tảng đúng về đạo đức trong cuộc sống và kinh doanh, đồng thời giúp họ thấy được sự quan trọng của các nhân tài ngoài gia đình”.
Trong các công ty gia đình, vai trò của người mẹ trong việc thiết lập các giềng mối và văn hóa gia đình là rất quan trọng, Đỗ Duy Hiếu chia sẻ: “Trong gia đình tôi, mẹ tôi là người giữ được bầu không khí khoáng đạt trong gia đình để các thành viên có chỗ thở. Bà không phải là người nội trợ kiểu mẫu mà cùng tham gia công việc kinh doanh với ba tôi và tôi. Ba thành viên cùng tham gia trong một công ty, đôi khi khó tránh khỏi xung đột trong công việc nhưng mẹ tôi là người có đầu “lạnh” nhất, có khả năng làm nguội hai cái đầu còn lại.
Mẹ tôi là người chịu thương, chịu khó, có lối sống đơn giản và chân thật. Làm việc gì cũng phải cố gắng hết sức, tìm niềm vui trong công việc và biết suy nghĩ cho người khác, đó là những gì tôi phải học từ mẹ để có thể trụ vững trong công việc của mình.
Theo tôi, các thương hiệu gia đình muốn tồn tại được đều dựa trên ý thức của các thành viên trong gia đình, phải đặt lợi ích công ty trên lợi ích cá nhân. Trong doanh nghiệp phải có qui định, qui tắc ứng xử rõ ràng, cách đánh giá hiệu quả công việc minh bạch để các thành viên (dù là người trong hay ngoài gia đình) thấu hiểu định hướng của công ty, cùng nhau đóng góp công sức để đạt được thành quả chung.
Trong quá trình làm việc, người gây ảnh hưởng đến phong cách làm việc của tôi nhiều nhất chính là ba tôi. Ở ông, tôi học được tính chính trực, sự cởi mở và cách đặt niềm tin vào người khác. Khi nhận trách nhiệm mới, với vốn kinh nghiệm còn ít ỏi và không ít “thương tích”, tôi có phần nghi ngại và hơi mất niềm tin trong công việc và con người dẫn đến các khó khăn trong cách giải quyết công việc.
Ba tôi đã hướng dẫn tôi cách tiếp cận công việc tốt hơn, lắng nghe những ý kiến khác biệt, nhìn nhận một vấn đề ở các góc độ khác nhau. Ông cũng dạy tôi cách đặt niềm tin vào người khác (đồng nghiệp, đối tác) và nhìn nhận nhiều vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn.
Ngoài ba tôi, tôi cũng học được rất nhiều từ các cô chú trong gia đình, các cô chú doanh nhân là người đi trước, các anh chị doanh nhân bạn bè, các bạn đồng nghiệp hay những người từng hợp tác với tôi. Mỗi ngày một ít, tôi quan sát và tự học, không sợ mình không biết, chỉ sợ mình không dám hỏi và phấn đấu đạt được những gì còn thiếu sót”.
Khát khao tạo dựng một thương hiệu trường tồn, Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I - đã phải đối diện với những khó khăn từ vốn, từ tư duy cũ của đội ngũ và từ chính cách quản trị của một công ty gia đình.
“Trong những thách thức này thì thách thức lớn nhất đó là cách quản trị gia đình. Vì là công ty gia đình nên luôn quan tâm đến độ an toàn trong chiến lược kinh doanh. Và để có sự an toàn thì phải làm chậm rãi, từ từ từng bước một. Nên có đôi khi sẽ làm mất đi cơ hội.
Tôi luôn nghĩ giá trị cốt lõi tốt trong kinh doanh là chất lượng, nếu như cứ bán một sản phẩm kém chất lượng thì trước sau gì cũng bị người tiêu dùng đào thải, cho nên nếu không thể làm ra sản phẩm tốt thì tôi tự mình đào thải mình trước khi bị thị trường đào thải.
Tôi luôn tin rằng trên đời này không có ngọn núi nào là dễ chinh phục cả, ngọn núi càng cao thì càng có nhiều thách thức, nhưng đó cũng là những ngọn núi đáng để cho chúng ta kính nể nhất”.
Để gìn giữ sự hòa thuận trong anh em một gia đình cũng là cả một thách thức với người kế nghiệp, Lý Huy Sáng chia sẻ: “Mọi việc đang diễn ra rất tốt vì mỗi người có cách làm khác để đạt được hiệu quả cuối cùng. Khi mọi người đều mong muốn phát triển trường tồn, trở thành công ty đa quốc gia thì cách làm sẽ thoáng hơn, không thể mong muốn các em giống mình, quan trọng phải cho họ làm chủ được chính mình.
Từ nhỏ ba cũng thấy được mỗi người có thế mạnh riêng, khi đi du học ba sắp xếp mỗi người một ngành học riêng. Không biết đó có phải là sức mạnh nội tại không nhưng đương nhiên có thế mạnh.
Em trai học về chuyên hóa, mình học về quản trị, được đào tạo chuyên môn rõ ràng nên khi về dễ dàng phát huy sức mạnh. Giữa anh em với nhau hiếm khi tranh cãi. Tôi quản lý chung, do tôi về tham gia công việc trước nên hiểu mọi khâu trong nhà máy, thông tin truyền đạt với các em cũng dễ dàng hơn.
Con học từ thực tiễn, để mềm mại hóa những kiến thức quản trị, ngược lại cha học từ con lối tư duy logic, không quá cảm tính. Có những lúc hai cha con tôi tranh cãi quyết liệt, vì cả hai đều nóng tính.
Không ít lần cha trách cứ tôi khi nhân sự đầu tư rất tốn kém lại bỏ ra đi, tôi trả lời cha: “Công ty đa quốc gia nào cũng bỏ ngân sách không nhỏ cho đào tạo, nhưng đâu phải tất cả đều gắn bó lâu dài. Đó là chi phí bắt buộc, nếu không sẽ hụt hẫng liên tục, phải chấp nhận rủi ro thôi, không có gì phải bực mình”.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều chấp nhận tranh cãi, tham vấn nhau, phân tích tới cùng, để ai cũng thông tỏ trước khi đưa ra một chính sách mới, và khi đã đưa ra thì ai cùng phải chấp hành.
Công ty là hoài bão lớn nhất của cha mẹ, cha mẹ thương yêu, nuôi nấng, cho mình học thành tài, tin tưởng giao lại cho mình sản nghiệp ấy. Đền đáp lại cho cha mẹ vui là công việc mình phải làm, nghĩ thế tự nhiên thấy bình thường không còn áp lực nữa. Cuộc sống doanh nhân chắc chắn luôn bị áp lực về tài chính, nhân sự, không thể có lựa chọn khác, chọn sứ mệnh làm doanh nghiệp rồi thì thấy không còn gì là áp lực nữa.
Lão Tử nói câu rất thú vị, nếu bạn muốn sướng một ngày thì hãy đi ngủ, muốn sướng một năm thì hãy kế thừa việc của cha mẹ, muốn sướng suốt đời thì phải làm theo ý mình, khi mình chọn cách nhìn như vậy mọi việc sẽ qua đi…
Con người mình đam mê rất nhiều, việc mình làm may mắn cũng nằm trong đam mê đó, nên rất rộng đường, từ nghệ thuật, kỹ thuật, ẩm thực, cái nào cũng mê cả. Ba hay nói người khác ba hay khuyến khích nên làm cái này cái kia, nhưng với con thì ba nói đừng làm quá nhiều cùng một lúc, vì cái gì mình cũng thích”.