Phân tích - Bình luận

Bài học từ trung tâm chip Malaysia

Trương Khắc Trà 10/08/2024 04:00

Có nền tảng hơn 50 năm, Malaysia trở thành trung tâm chip phát triển năng động bậc nhất khu vực với rất nhiều công ty hàng đầu thế giới rót vốn đầu tư.

6cenhbszgzp2rbgxp6iuluk6j4.jpg
Infineon Technologies mở nhà máy sản xuất nguyên liệu chip lớn nhất thế giới tại Malaysia (Ảnh: reuters)

Malaysia mới khai trương trung tâm chip do Infineon Technologies (Đức) đầu tư, đây là giai đoạn đầu tiên của một nhà máy khổng lồ ở Kulim thuộc bang Kedah. Với suất đầu tư dự kiện lên tới 5 tỷ USD, đây sẽ là cơ sở sản xuất cacbua silic lớn nhất thế giới.

Malaysia đang trở thành địa điểm quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn khi các công ty đa dạng hóa địa bàn hoạt động trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.

Trước đó, vào tháng 12/2021, gã khổng lồ chip Intel của Mỹ đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại Malaysia cùng với trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tương tự, tháng 9 năm ngoái, Global Foundries - công ty sở hữu nhà máy đúc chip lớn thứ 3 thế giới, đã mở một trung tâm ở Penang thuộc vùng Tây Bắc Malaysia để hỗ trợ mạng lưới sản xuất toàn cầu của mình, bổ sung cho các cơ sở hiện có ở Mỹ, châu Âu và Singapore.

Nvidia, Microsoft, hay Neways, các nhà cung cấp chính cho công ty sản xuất chip Hà Lan ASML cũng dự kiến triển khai các gói đầu tư vào quốc gia này. Malaysia trở thành điểm “nóng” công nghiệp bán dẫn trong khu vực.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói rằng: “Về mặt chính trị, chúng tôi ổn định, chính sách rõ ràng. Chúng tôi có khả năng chuyển đổi năng lượng, chính sách công nghiệp, kế hoạch tổng thể và thậm chí cả chính sách riêng cho ngành bán dẫn”.

Điều này đã giúp thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư, đồng thời cho biết thêm rằng sự tham gia của Infineon đã chứng tỏ “một cách đáng kể” niềm tin của công ty đối với hệ sinh thái bán dẫn tổng thể của đất nước.

Về việc liệu Malaysia có thể tạo ra đủ nhân tài để cung cấp cho khu vực công nghiệp đặc thù này phát triển hay không? Thủ tướng Anwar đảm bảo rằng: các chuyên gia và sinh viên có đủ năng lực để làm điều đó.

Ông Anwar nói: “Vai trò của chúng tôi trong chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, đảm bảo rằng chúng tôi giải ngân đủ vốn cho mục đích đó. Chính phủ đang tìm cách thu hút những người Malaysia có tay nghề cao từ nước ngoài trở về đóng góp cho đất nước”.

Nước này có tham vọng đào tạo cho 60.000 nhân lực để trở thành kỹ sư bán dẫn có tay nghề cao trong thập kỷ tới. Với chiến lược rõ ràng, cải thiện vị trí trong ngành, từ kiểm định đóng gói - giá trị thấp - lên thiết kế, sản xuất.

Chính phủ nước này giành ra 5,3 tỷ USD bồi dưỡng nhân tài phục vụ trong giai đoạn 5-10 năm tới. Bên cạnh đó là nhiều cơ chế đặc biệt ưu đãi cho nhân sự cấp cao cũng như quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, như chương trình “Golden Pass”, “Unicorn Golden Pass”, “VC Golden Pass”.

mailai.jpg
Malaysia thành lập trung tâm thiết kế chip để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết: “Sự quan tâm đến các trung tâm dữ liệu sẽ liên tục thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn. Đến một lúc nào đó, chúng tôi muốn ngừng sử dụng chip được thiết kế ở nơi khác. Chúng tôi muốn thấy nhiều trung tâm dữ liệu hơn ở Malaysia sử dụng chip do người Malaysia thiết kế”.

Điều ít biết là Malaysia có kinh nghiệm tới 50 năm trong lĩnh vực lắp ráp, đóng gói, kiểm định chip, họ chiếm tới 13% khối lượng công việc này trên toàn cầu. Intel đã có mặt tại nước này từ năm 1972. Năm 2023, xuất khẩu thiết bị vi mạch, bán dẫn của Malaysia đạt giá trị 81 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài học từ trung tâm chip Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO