Cứ mỗi dịp Tết về, trong tôi lại trào dâng lên một niềm nhớ về những cái Tết của một thời tuổi thơ nghèo khó, những cái Tết mà đám trẻ con lên 5, lên 7 chúng tôi ngày ấy đứa nào cũng mong ngóng.
>>>CẢM XÚC XUÂN: Mong sau Tết được đến trường dạy và học trực tiếp
Hồi nhỏ, đám trẻ con chúng tôi mong Tết còn hơn mong mẹ về chợ, háo hức, đếm từng ngày để được thấy Tết. Vì chỉ có Tết, chúng tôi mới được ăn ngon, được mua quần áo đẹp, được đi chúc Tết và thích nhất là được nhận tiền mừng tuổi.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, quê tôi còn nghèo lắm, quanh năm chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai, nên giò chả, thịt, cá là những món ăn xa xỉ, chỉ có vào những dịp nhà có công việc hay những ngày rằm, ngày Tết. Chả thế mà chúng tôi mong ngóng từng ngày đến Tết để được ăn nhiều món ngon.
Người dân quê tôi quan niệm “đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết”, ngày thường thì sao cũng được, nhưng trong 3 ngày Tết dù có nghèo đến mấy cũng phải đầy đủ, tươm tất, nhất là trên ban thờ tổ tiên không được thiếu thứ gì, từ mâm cỗ cúng cho đến cách bài trí ban thờ sao cho đầy đủ và tương tất nhất có thể.
Tết xưa ở quê tôi rộn ràng nhất là từ ngày 27 tháng Chạp, khi ấy vụ Đông Xuân đã cấy xong, người nông dân không còn phải lo toan công việc đồng áng nên có nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón Tết. Tôi thường nghe người dân quê tôi nói với nhau rằng, phải cấy xong trước Tết thì ăn Tết mới ngon được.
Thường vào ngày 29 hoặc 30 Tết cả xóm rộn ràng gọi nhau đi đụng lợn từ 3-4 giờ sáng. Ngày ấy quê tôi có tục đụng lợn ăn Tết. Cứ 5-6 nhà mua chung một con lợn của một nhà trong xóm rồi đến gần Tết cùng nhau đụng lợn để ăn Tết. Đám con nít chúng tôi thì thích nhất là cái ngày này, năm nào tôi cũng theo bố đi đụng lợn.
Con lợn khi được làm thịt xong, phần thịt nạc đùi ngon nhất thì được lọc riêng để giã giò lụa. Phần còn lại thì được chia ra làm 4 phần, tương đương với 4 đùi của con lợn. Tất cả đều được các bác, các chú chia ra rất đều, cả nồi nước luộc lòng cũng được chia để đảm bảo sự công bằng. Chia xong thì bốc thăm, nhà ai bốc được phần nào thì nhận phần đấy. Nếu như có 2 nhà chung một đùi, thì ¼ con lợn lại được chia đều ra làm 2 phần. Phải nói là các bác, các chú rất khéo tay, không cần dùng đến cân mà chia phần cứ đều phăm phắp, có chênh lệch cũng chỉ vài chục gram.
Đám con nít chúng tôi háo hức và mong lắm đến ngày đụng lợn để xin bong bóng (bàng quang lợn) về làm bóng chơi. Nói là thế, nhưng ít khi xin được lắm vì bong bóng lợn mặc định là của đứa bạn nào mà con lợn đó là của nhà nó nuôi. Rồi chúng tôi còn được các bác, các chú chia cho cái đuôi lợn mới luộc, nóng hổi và ăn ngay tại chỗ, khỏi phải nói cũng biết là chúng tôi sướng biết chừng nào.
Đụng lợn xong mang về nhà, bố tôi cẩn thận phân chia ra từng loại thịt. Bố chọn những miếng thịt đùi ngon nhất để dành dâng cúng tổ tiên, ông bà trong mâm cỗ tất niên ngày 30 Tết; thịt 3 chỉ để gói bánh chưng; thịt thủ thì để gói giò xào…
Năm nào nhà tôi cũng phải gói từ 15 đồng bánh chưng trở lên. Bố bảo, cả năm chỉ có 1 lần Tết nên gói nhiều một chút để ra Giêng chúng tôi có cái ăn sáng mà đi học. Hồi ấy, nguyên liệu để gói bánh chưng phần lớn là đều của nhà làm ra như nếp, đậu xanh, lá dong… lạt cũng tự tay bố tôi chẻ.
>>>CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm
Chiều ngày 30 Tết, chúng tôi lại lẽo đẽo theo bố đi tảo mộ, mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết. Ở nhà, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn mâm cơm cúng tất niên, chỉ chờ bố tôi về là dâng lên bàn thờ gia tiên. Mâm cỗ dâng cúng tổ tiên ngày 30 Tết có đầy đủ các món ăn như: thịt gà luộc, giò lụa, giò xào, xôi nếp, thịt luộc, bánh chưng, nem rán canh miến,... tất cả đều được mẹ tôi chuẩn bị một cách chu đáo và tươm tất. Bố tôi bảo, ngày thường thì sao cũng được, nhưng Tết thì phải đầy đủ. Ông còn giảng giải cho chúng tôi hiểu vì sao mà nhà ai cũng phải làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên ngày 30 Tết và nhắc nhở sau này khi bố mẹ về với ông bà thì chúng tôi cứ theo tục lệ ấy mà làm.
Ăn xong bữa cơm cuối cùng của năm cũ, với nhiều món ăn mà ngày thường không bao giờ có, đám con nít chúng tôi lại tụ tập chờ đến giao thừa để được xem đốt pháo mừng năm mới. Ngày ấy chưa cấm pháo nên lũ trẻ con chúng tôi háo hức và khoái cái món này lắm. Nhà nào cũng phải có vài bánh pháo nổ, rồi thêm cả chục quả pháo thăng thiên, loại pháo này khi đốt nó bay thẳng lên trời như pháo hoa, rất đẹp, vào đêm giao thừa, pháo thăng thiên làm sáng rực cả một vùng quê nghèo.
Sáng mùng 1 Tết, khi chúng tôi vẫn còn say giấc do thức khuya đón giao thừa thì bố mẹ tôi đã dậy từ sớm sửa soạn mâm cỗ dâng cúng tổ tiên đầu năm mới. Mẹ tôi còn chuẩn bị sẵn một nồi nước lá thơm thật to được nấu bằng những cây Mùi già ngoài vườn để chúng tôi rửa mặt và tắm. Mẹ tôi bảo, đầu năm mới tắm nước lá Mùi già để có nhiều sức khỏe và gặp may mắn hơn trong năm mới.
Rồi mẹ tôi chuẩn bị đồ lễ để mấy bố con mang đi Tết nhà các bác trưởng bối trong dòng họ bên nội. Người dân quê tôi có tục lệ “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Tục lệ này được duy trì từ đời này sang đời khác như một nét đẹp văn hóa của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ.
Trong 3 ngày Tết, trên ban thờ tổ tiên hầu như không mấy khi tắt nhang, cứ cháy hết tuần nhang này là bố tôi lại thắp thêm tuần nhang mới. Bố bảo, trong 3 ngày Tết, ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu, nên phải thắp nhang liên tục và cũng là để nhà cửa ấm cúng trong những ngày đầu năm mới.
Ngày ấy, tết ở quê tôi thường được kéo dài đến ngày mùng 5 tháng Giêng, khi đám trẻ con chúng tôi đi học trở lại thì người lớn cũng ra đồng làm việc. Nhưng người dân quê tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng, nếu nhà vẫn còn bánh chưng thì vẫn chưa hết Tết, mà bánh chưng thì năm nào nhà tôi cũng phải ăn đến rằm tháng Giêng mới hết.
Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy, trẻ con bây giờ cũng không còn thiếu thốn cái ăn, cái mặc như thế hệ chúng tôi ngày xưa, nên Tết đối với nhiều gia đình trẻ bây giờ không còn quá quan trọng. Nhưng đối với tôi, Tết vẫn là những ngày đặc biệt. Mặc dù đã hơn 15 năm không đón Tết ở quê, nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ và mang theo những gì mà bố tôi đã chỉ dạy và nhắc nhở khi tôi còn là một đứa trẻ lên 5, lên 7. Và năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 Tết là vợ chồng tôi lại tự tay chuẩn bị một mâm cỗ, với đầy đủ các món ăn mà ngày xưa tôi đã học được từ bố để dâng lên cúng tổ tiên, ông bà và cầu mong cho gia đình nhỏ của mình sang năm mới được bình an và hạnh phúc.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
CẢM XÚC XUÂN: Tết đoàn viên, đâu ai muốn xa nhà
04:00, 24/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Phút giao mùa
04:00, 23/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Mong sau Tết được đến trường dạy và học trực tiếp
03:00, 23/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm
06:31, 22/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Đụng lợn ngày Tết
05:00, 22/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Anh sắp về chưa?
04:00, 21/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?
05:00, 19/01/2022