Mùa Xuân đang về, chúng tôi chỉ hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để những mái trường lại rộn ràng tiếng đùa vui của học trò…
>>CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm
Kể từ đầu năm học cho đến nay, thầy trò chúng tôi vẫn chưa thể dạy và học trực tiếp tại trường vì dịch bệnh Covid-19. Học kỳ một trôi qua với nhiều khó khăn nhưng cũng tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị.
Ngày Khai giảng năm học được nhiều địa phương triển khai bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Kế hoạch triển khai các hoạt động dạy học cũng được các Sở Giáo dục xây dựng bằng nhiều kịch bản khác nhau và nhiều tỉnh đã triển khai các kế hoạch năm học theo các mốc thời gian mà Bộ đã hướng dẫn.
Kế hoạch triển khai dạy trực tuyến đã được các Sở ban hành, thuận lợi cũng rất nhiều song việc dạy cũng đan xen nhiều khó khăn, hạn chế cả phía thầy - trò, phụ huynh và những khó khăn từ việc giãn cách xã hội. Nhưng, với quyết tâm để khắc phục những khó khăn nên việc dạy trực tuyến đã diễn ra tương đối suôn sẻ và phát huy được hiệu quả.
Thực ra, ai cũng biết rằng việc dạy trực tuyến cho học sinh phổ thông chỉ là là những giải pháp tình thế, nó không thể nào bằng dạy trực tiếp được. Thế nhưng, trong lúc dịch bệnh như thời gian qua thì giải pháp dạy trực tuyến vẫn được xem là khả quan hơn cả. Điều cốt yếu để giúp cho việc dạy và học trực tuyến triển khai được là ngành cũng đã có rất nhiều những thuận lợi từ nhiều phía.
Về phía nhà trường và đội ngũ nhà giáo thì phần lớn giáo viên đã có laptop, có điện thoại kết nối với mạng internet và phần lớn giáo viên đã tiếp cận và làm chủ được việc soạn bài giảng Powerpoint, cùng các phần mềm giảng dạy trực tuyến.
Trong từng nhà trường, có tổ chuyên môn Tin học hoặc giáo viên Tin học nên có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất tốt cho các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên liên tục có những clip của nhiều thầy cô giáo từ mọi miền đất nước hướng dẫn cách khai thác chức năng các phần mềm dạy trực tuyến cho đồng nghiệp. Trong khi, các phần mềm dạy học trực tuyến hiện nay khá đa dạng như: Viettel Study, VNPT elearning, K12 Online, Zoom Meeting, Google Meet… cũng dễ dàng sử dụng.
Về phía phụ huynh và học sinh cũng có những thuận lợi nhất định, đó là phần nhiều đã có điện thoại kết nối mạng internet hoặc có thêm máy tính. Đa phần học sinh đã biết cách sử dụng điện thoại và biết vào học trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng luôn đồng hành trong chuyện học hành của con em mình. Đây là những điều kiện cần thiết để các nhà trường triển khai việc dạy học trực tuyến đến học sinh của mình một cách thuận lợi, nhất là cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
>>CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?
Đặc biệt, tối 12/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ giúp cho những em học sinh chưa có máy tính có thể có được phương tiện học tập hữu ích ngay trong đầu năm học này.
Bên cạnh những thuận lợi như phần trên chúng tôi đã phản ánh thì việc dạy trực tuyến ở những tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 ở các tỉnh phía Nam đã có lúc phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn mà chúng ta đều có thể nhìn thấy. Đó là suốt mấy tháng đầu năm học, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nên mọi người dân đều phải ở trong nhà, nhiều phụ huynh chưa mua được sách giáo khoa cho con em mình.
Thời điểm đó, cho dù các nhà xuất bản đã cung cấp đường link sách điện tử đến các nhà trường nhưng việc học sinh vừa học, vừa sử dụng sách điện tử là điều hoàn toàn mới và không dễ dàng đối với nhiều học trò. Đặc biệt là đối với những lớp dạy sách giáo khoa mới ở lớp 2, lớp 6 đã gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều trường không chỉ sách giáo khoa chưa có mà sách giáo viên cũng chưa về nên việc chuẩn bị bài giảng của giáo viên cũng gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình đang nằm trong khu vực phong tỏa, nhiều phụ huynh, học sinh và có cả giáo viên trở thành F0, thậm chí gia đình có người thân tử vong vì dịch bệnh Covid-19, nhất là một số tỉnh ở Đông Nam Bộ…Vì thế, có nhiều gia đình học sinh gặp khó khăn cả về kinh tế, cả cả tâm lý cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Có những phụ huynh nhiều tháng không có việc làm nên một số phụ huynh không có khả năng mua sắm điện thoại, máy tính cho con học tập. Trong những ngày đó, giáo viên chủ nhiệm lớp liên tục phải điện thoại, tạo zalo lớp để liên lạc với học sinh, phụ huynh lớp của mình nhưng có thời điểm việc liên lạc gặp khó khăn vì nhiều lý do khác nhau.
Đối với đội ngũ giáo viên, dù không nhiều nhưng trường nào cũng có một số ít thầy cô không có laptop, công nghệ thông tin còn hạn chế, còn lúng túng trong việc sử dụng được các phần mềm dạy trực tuyến. Đây cũng là những khó khăn nhất định khi các nhà trường triển khai việc dạy online…
Những thuận lợi và khó khăn của từng nhà trường song song cùng nhau nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như thời gian qua thì cũng chưa biết lúc nào dịch bệnh mới có thể chấm dứt được ở tất cả các địa phương mà việc học không thể ngừng được.
Chính vì thế, công tác truyền thông của nhà trường cũng được đẩy mạnh để phụ huynh và học sinh yên tâm cho việc học hành. Bên cạnh đó, các nhà trường, tổ chuyên môn luôn động viên, giúp đỡ những giáo viên còn gặp khó khăn về công nghệ thông tin để cùng giảng dạy đồng loạt và không ảnh hưởng đến kế hoạch chung của nhà trường.
Nhìn lại một học kỳ vừa qua, cơ bản là việc triển khai dạy trực tuyến được diễn ra suôn sẻ, nhà trường nhận được sự chung tay của nhiều người, nhiều ban ngành nên các kế hoạch giảng dạy của nhà trường mới có thể triển khai được thuận lợi.
Chưa bao giờ bước vào năm học mới lại khó khăn như năm học này, nhưng khó khăn, thử thách cũng là một “phép thử” để ngành giáo dục vượt qua để khẳng định mình và vượt qua những khó khăn trước đại dịch Covid-19. Và, rõ ràng ngành giáo dục đã làm được rất nhiều việc tích cực trong một điều kiện khó khăn đặc biệt.
Một mùa Xuân nữa đang về, không khí Tết đã rộn ràng ở mọi nẻo đường. Mùa Xuân đến, ai cũng mong niềm vui, hạnh phúc đến mọi nhà, mọi người... Riêng tôi điều mong muốn lớn nhất là sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thầy trò chúng tôi được dạy và học trực tiếp tại trường, không còn phải đối mặt với màn hình máy tính hoặc điện thoại trong suốt quá trình dạy và học.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
06:31, 22/01/2022
05:00, 22/01/2022
04:00, 21/01/2022
05:00, 19/01/2022
05:00, 18/01/2022
04:04, 16/01/2022
02:00, 09/01/2022