Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc "thách thức" ASEAN và Mỹ

Diendandoanhnghiep.vn Không chỉ thách thức ASEAN, với việc thông qua Luật Hải Cảnh, Trung Quốc còn tạo thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ngày 22/1/2021, Trung Quốc đã ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nước này được sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm dùng vũ khí đối với các tàu nước ngoài. Động thái này không chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực mà còn làm tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN cũng như tạo thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Tàu hải cảnh Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 5-2019. Ảnh: AFP

Tàu hải cảnh Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 5/2019. Ảnh: AFP

Trung Quốc khuấy động an ninh khu vực...

Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng mạnh và hoạt động với tần suất dày đặc ở khu vực lân cận các đảo không có người ở trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng như ở vùng Biển Đông nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thông qua yêu sách "đường chín đoạn" phi pháp.

Luật Hải cảnh cho phép các tàu hải cảnh Trung Quốc phá dỡ các công trình của các quốc gia khác được xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng như "trực tiếp sử dụng vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn". Quyền lực của tàu hải cảnh và phạm vi hoạt động được gia tăng thể hiện một quyết tâm nâng cao năng lực phòng thủ và tấn công của hải cảnh Trung Quốc.

Việc Trung Quốc trao quyền cho tàu hải cảnh nước này nổ súng vào các tàu nước ngoài và phá hủy các cấu trúc trên các địa điểm mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền có khả năng làm tăng khả năng xảy ra đụng độ với các quốc gia khác trong khu vực. Thực tế này đã diễn ra khoảng từ năm 2018 cho đến nay.

Những hoạt động của hải cảnh Trung Quốc đã buộc lực lượng này phải tiếp xúc thường xuyên với các lực lượng trên không và trên biển từ phía Nhật Bản, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia ở Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines. Những năm gần đây, hải cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn với nhiều lần quấy rối các tàu cá hoạt động ở Biển Đông, phá hoại các hoạt động khai thác tài nguyên hợp pháp tại vùng biển này, cũng như truy đuổi và nhiều lần đâm chìm tàu cá của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Cả Biển Hoa Đông và Biển Đông đều có tầm quan trọng đối với an ninh khu vực, trên cả phương diện tài nguyên khoáng sản và tự do hàng hải. Tranh chấp của Trung Quốc với các quốc gia về chủ quyền lãnh thổ và yêu sách tài nguyên ở cả hai vùng biển này, tạo thành thách thức trực tiếp đối với hiện trạng hàng hải khu vực cũng như quyền tiếp cận các nguồn lợi kinh tế của các quốc gia xung quanh.

Khi lợi ích của các vùng biển trong khu vực là lâu dài và thử thách khả năng thay đổi cán cân quân sự của các cường quốc, việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh có thể là một tín hiệu cho thấy quốc gia này đang chuẩn bị cho những bước đi quyết liệt hơn đối với những gì họ coi là thuộc "lợi ích cốt lõi" của quốc gia.

Về chính trị và quân sự, duy trì sự hiện diện lâu dài của hải cảnh Trung Quốc và sâu xa hơn là kiểm soát các vùng biển gần trở thành một đòi hỏi lâu dài nếu Trung Quốc muốn thay thế Mỹ trở thành cường quốc quân sự thống trị ở châu Á - Thái Bình Dương. Về kinh tế, các nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bao gồm trữ lượng cá, các mỏ dầu và nguồn khí đốt tự nhiên, có thể là chìa khóa giúp duy trì sự phát triển kinh tế không gián đoạn của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô và khí đốt lớn nhất thế giới.Trong khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực thúc đẩy sản xuất dầu thô trong nước thì sự phụ thuộc của quốc gia này vào nhập khẩu dầu thô nước ngoài sẽ không giảm trong ngắn hạn.

Tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là trang bị vòi rồng 76mm. Ảnh: Kyodo

Tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là trang bị vòi rồng 76mm. Ảnh: Kyodo

... và tỏ động thái "nắn gân" chính quyền Biden

Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã trực tiếp gây tổn hại mối quan hệ với ASEAN, tạo nên tâm lý nghi ngại từ phía Hiệp hội trước các đề xuất có vẻ tích cực từ phía Bắc Kinh. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện hầu hết các hoạt động cưỡng chế hàng hải ở các vùng biển gần, vì vậy Luật mới vừa được thông qua sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á thêm quan ngại về các hành động quấy rối với tần suất cao hơn của hải cảnh Trung Quốc.

ASEAN và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm quan hệ song phương trong năm 2021. Trước đó, Trung Quốc nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng, ASEAN nên cùng Trung Quốc nâng cấp quan hệ hai nước từ "đối tác chiến lược" lên "đối tác chiến lược toàn diện". Hai bên cũng đang đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với kỳ vọng sớm đạt được những kết quả khả quan. Tại Hội nghị Cấp cao Trung Quốc - ASEAN lần thứ 23 năm 2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi tất cả các bên khắc phục tác động của Covid-19 và đẩy nhanh các cuộc tham vấn về COC.

Tuy nhiên, khả năng nâng cấp quan hệ ASEAN - Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Bắc Kinh kiềm chế không gây căng thẳng khu vực. Việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh không chỉ làm chậm tiến triển của COC thông qua gia tăng căng thẳng tại vùng biển này, mà còn giảm thiểu niềm tin từ các quốc gia Đông Nam Á trước một Trung Quốc đang quyết đoán hơn ở Biển Đông.

Dù hiện tại nhiều quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu quan trọng hoặc nguồn đầu tư nhưng động thái này của Trung Quốc sẽ buộc các quốc gia khu vực thận trọng hơn trước các đề xuất của Trung Quốc, cũng như có thể cân nhắc nhiều hơn đến các cam kết tái can dự của Mỹ vào khu vực.

Bên cạnh gây xói mòn lòng tin với ASEAN thì động thái mới nhất của Trung Quốc cũng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ, quốc gia duy trì các liên minh chiến lược với một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Dù chưa có nhiều cam kết rõ ràng từ chính quyền Biden đối với Đông Nam Á, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ vẫn duy trì các cam kết với ASEAN và tăng cường can dự vào Biển Đông.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc là "chất xúc tác" khiến Chính quyền Biden thận trọng hơn trước các cam kết của Trung Quốc trong việc nối lại quan hệ hòa bình với Mỹ và đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực. Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và căng thẳng Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, hành động của Trung Quốc đã thách thức những giá trị tự do, dung nạp và hòa bình châu Á - Thái Bình Dương.Quan trọng không kém là hành động này có thể được ví như tín hiệu "nắn gân" chính quyền Biden.

Cụ thể, hành động của Trung Quốc đã trực tiếp đánh vào trọng tâm của chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, buộc Mỹ phải cân nhắc về việc thể hiện quan điểm cụ thể hơn và có các hành động tích cực hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc gây áp lực lên các quốc gia hàng hải trong khu vực khiến Mỹ phải cân nhắc các cam kết tăng cường hiện diện, bảo vệ các đồng minh và đối tác của mình như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Dù Luật Hải cảnh tạo cho Trung Quốc tính chính danh để tăng cường siết chặt vòng vây với các quốc gia tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông nhưng về lâu dài Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại. Trước tiên là sự xói mòn lòng tin trong quan hệ với ASEAN, đối tượng Trung Quốc rất cần tăng cường quan hệ để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ. Sau nữa, hành động của Trung Quốc sẽ buộc Mỹ cảnh giác hơn và nhiều khả năng là tăng cường can dự vào khu vực.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc "thách thức" ASEAN và Mỹ tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713961364 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713961364 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10