Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6/2024 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội.
>>Tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư nhà ở xã hội
Nội dung được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra tại phiên trả lời chất vấn sáng nay 6/6, tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, về nội dung giải quyết những vấn đề nổi lên hiện nay mà Đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công, đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp, công nhân, học sinh… gắn chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, địa phương.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về nhà ở xã hội trong tháng 6/2024 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội. Nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thực tế, nhà ở xã hội là một trong những chương trình nhà ở có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Trong nhiều thập kỷ qua, mô hình nhà ở xã hội đã được một số nước trên giới quan tâm và phát triển thành công như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... Tại Việt Nam, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội đã trải qua khoảng 13 năm nhưng chưa thành công như mong đợi.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính từ giai đoạn năm 2021 đến hết quý 1/2024, trên địa bàn cả nước chỉ mới có 75 dự án đã hoàn thành (quy mô 39.884 căn); 127 dự án đã khởi công xây dựng (114.984 căn).
Xét về “chiếc bánh thị phần”, rõ ràng nhà ở xã hội dành cho đối tượng có thu nhập thấp còn dư địa rất lớn để phát triển, tuy nhiên, bên cạnh những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì khó tiếp cận chính sách ưu đãi, lợi nhuận thấp là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này.
>>Phát triển nhà ở xã hội cho thuê liệu có khả thi?
Vừa qua, Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 đã quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội với nhiều chính sách nổi bật. Theo đó, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.
Đặc biệt, Luật Nhà ở 2023 sẽ tác động sâu rộng nhất đến đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Cụ thể, Luật đã mở rộng, bổ sung thêm 3 đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội, trong đó đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực thường xuyên bị thiên tai ở vùng nông thôn có thể được mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Về điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhóm đối tượng thụ hưởng được cắt bớt điều kiện về cư trú, chỉ còn điều kiện về diện tích nhà ở và điều kiện về thu nhập. Ngoài ra, Luật cũng đã có các quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cùng các quy định nhằm khắc phục những bất cập về giá bán, giá thuê nhà ở xã hội trước đây.
Theo các chuyên gia, các quy định ưu đãi như vậy chưa hẳn đã đáp ứng được kỳ vọng của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp nhưng cũng phản ánh đúng thực chất và về mặt nguyên tắc có cao hơn so với quy định hiện hành. Qua đó, khuyến khích, thu hút chủ đầu tư tham gia xây dựng nhiều nhà ở xã hội hơn so với giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, các ưu đãi trên vẫn phải chờ thời hiệu Luật Nhà ở 2023, và quy định hướng dẫn thi hành cụ thể tại các Nghị định dưới luật.
Theo HoREA, quyết định mang tính “đặc cách” cho các quy định trên có hiệu lực sớm trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm thực hiện “Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” cũng như cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để đáp ứng nhu cầu cấp bách và nguyện vọng của người dân có liên quan; góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và công tác chỉnh trang tái phát triển đô thị.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS, các luật mới có hiệu lực sớm có cơ sở tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án bất động sản, giúp tăng nguồn cung và bình ổn thị trường. Đặc biệt là những chính sách khuyến khích phát triển nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội... nhờ đó sẽ thúc đẩy các dự án hơn. “Bất động sản sẽ tăng trưởng tốt hơn khi các luật có hiệu lực sớm, nhưng thị trường sẽ không 'bùng' lên, mà phát triển ổn định”, ông Đính nhận định.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân chia sẻ, những quy định mới của Luật là cú huých rất quan trọng không chỉ với chủ đầu tư, các đối tượng thuê nhà, mà còn cho cả thị trường bất động sản.
Có thể bạn quan tâm