Thực tiễn cho thấy, mối quan hệ và sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan dân cử ở địa phương chưa thật sự thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý tài chính, tài sản công.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, chiều 25/10.
Theo ông Tạo, việc bổ sung quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng giữa các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, điều khiến ông Tạo băn khoăn là vấn đề kiểm soát quyền lực trong kiểm toán nhà nước. Thực tiễn cho thấy, mối quan hệ và sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan dân cử ở địa phương chưa thật sự thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý tài chính, tài sản công.
Có thể bạn quan tâm
15:34, 25/10/2019
11:01, 25/10/2019
05:00, 24/10/2019
13:08, 23/10/2019
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo với Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trong khi các cơ quan kiểm soát quyền lực ở địa phương thì chưa được quy định.
Do đó, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị, nghiên cứu điều luật quy định rõ việc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan kiểm soát quyền lực tại địa phương, đặc biệt là HĐND và đoàn ĐBQH, trong hoạt động quản lý tài sản, tài chính công thông qua hoạt động kiểm toán.
Theo dự thảo Luật quy định đối tượng kiểm toán ngoài cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý tài sản công, tài chính công, tại khoản 6 Điều 1, dự thảo quy định việc duyệt kế hoạch kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân cóliên quan đến hoạt động kiểm toán.
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán là cơ quan có liên quan đến việc quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công của đơn vị được kiểm toán. Thực tế trong quá trình kiểm toán, có thể xuất hiện những đối tượng có liên quan. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng kiểm toán như như trong dự thảo Luật là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cũng nêu rõ, quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị được kiểm toán. Cơ quan quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công gần đối tượng nào, mức độ nào thì được gọi là có liên quan? Quy định như vậy có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
“Do đó, cần quy định rõ thế nào là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để làm rõ hành lang pháp lý, bảo đảm tính khả thi”, bà Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị.
Còn ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về công khai minh bạch trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, dù dự thảo Luật đã có quy định về việc phải công khai báo cáo kiểm toán nhưng lại không quy định về thời hạn phải công khai. Điều này làm giảm ý nghĩa thậm chí vô hiệu hóa quy định về công khai, vì vậy cần bổ sung quy định về thời gian công khai báo cáo kiểm toán tương tự như quy định về công khai kết quả thanh tra.