Lấy ví dụ về các ngành mía đường, lúa gạo hay thủy sản, Đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không nới trần giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu các nông sản này do đặc thù mùa vụ.
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) khẳng định, nhiều ngành nghề, lĩnh vực nếu không cho nới khung làm thêm giờ thì sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong đó, đặc biệt là ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ các nông sản.
“Ví dụ ngành mía đường, thời vụ chỉ 3-4 tháng thu hoạch cao điểm, nếu áp trần giờ làm theo tuần, theo tháng, theo năm thì doanh nghiệp sẽ không đảm bảo sản xuất, vi phạm trần giờ làm”, Đại biểu nói, đồng thời cho biết câu chuyện tương tự với ngành lúa gạo.
Lấy ví dụ về nghề sản xuất bánh pía tại địa phương, Đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết yêu cầu sản xuất phải làm ngay, không thể giữ nông sản lâu được, bởi muốn giữ lâu phải dùng tới chất bảo quản.
Đại biểu cũng khẳng định thực tế một số ngành nghề như da giày, dệt may khi có đơn đặt hàng thì mới tăng giờ làm, đây là yêu cầu bắt buộc phục vụ cho sản xuất.
Trên thực tế, tính đặc thù của một số ngành nghề mang tính đã được nhắc tới nhiều lần. “Doanh nghiệp thuỷ sản hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khai thác từ ngư dân, có tính mùa vụ và sản phẩm về nhà máy là phải chế biến ngay do đó không thể chờ, cũng không phải tháng nào cũng như tháng nào mà áp trần giờ làm việc theo tuần, theo tháng, theo năm như vậy là doanh nghiệp Việt chịu “một cổ ba tròng””, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết.
Có thể bạn quan tâm
11:14, 23/10/2019
10:51, 23/10/2019
10:15, 23/10/2019
06:30, 23/10/2019
Trong khi đó, ngay tại các nước phát triển như Singapre chỉ quy định trần giờ làm thêm theo tháng, Hàn Quốc cũng chỉ quy định theo tuần thôi… Như vậy, những quy định này ở Việt Nam không khác gì “khoá chân” doanh nghiệp.
Thậm chí, Đại biểu Trương Minh Hoàng còn cho rằng, việc bị ép trần giờ làm có thể phát sinh hiện tượng lao động dịch chuyển. Cụ thể, sẽ có hiện tượng người lao động ký hợp đồng 6 tháng với doanh nghiệp, mức trần 40 giờ/tháng, tức 240 giờ/năm. Sau đó lao động dịch chuyển lao động sang doanh nghiệp khác và cũng ký hợp đồng 6 tháng. Như vậy, thực tế một lao động có thể làm thêm giờ đến 480 giờ/năm, mà không ai kiểm soát được.
Đồng thời, theo Đại biểu, tại Cà mau đến mùa thu hoạch mía hay lúa, thuê người cắt gặt là không có người, thực tế là vậy.
“Như vậy, thay vì ép trần sao chúng ta không cho thoáng khung giờ làm chung ra”, Đại biểu Trương Minh Hoàng đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình với phương án hai của Dự Luật về khung giờ làm thêm. Theo đó, không khống chế giờ làm thêm như hiện tại, mà nâng khung giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên mức 400 giờ/năm. Chính phủ quy định cụ thể các ngành nghề lĩnh vực được nâng khung giờ làm thêm.
Theo đó, Đại biểu cho rằng, nên nâng giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm cho một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, bởi điều này giải quyết được việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tính thời vụ.
Tuy nhiên, Chính phủ cần chuẩn bị các ngành nghề được phép điều chỉnh tăng lên, đồng thời có phương án trả lương làm thêm phù hợp, trình Quốc hội xem xét.
Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội về vấn đề này, Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đồng tình cho rằng, muốn giảm giờ làm phải đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Điều đáng nói, ở Việt Nam hiện nay khu vực áp dụng công nghệ mới để tăng thu nhập và bù đắp tiền lương cho công nhân còn khác nhau, phần lớn chúng ta chưa phải xã hội công nghiệp.
“Do đó, tận dụng giờ làm thêm cũng là nhu cầu ở mộ số khu vực, vì vậy, việc đặt ra quy định phải phù hợp với các ngành, lĩnh vực, thậm chí mỗi doanh nghiệp. Không phải chúng ta đưa ra một quy định cứng nhắc áp dụng cho tất cả”, Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.