Kiến nghị

Đề xuất gỡ "điểm mờ” trong Luật giao thông để doanh nghiệp vận tải phát triển

Bài và Ảnh: Hương Giang 22/06/2025 11:05

Việc đề xuất bỏ quy định lái xe không quá 48 giờ/tuần chỉ là một giải pháp tình thế. Về dài hạn, cần tiếp tục tháo gỡ những "điểm mờ” trong Luật để giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Đó là chia sẻ của ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM xoay quanh những bất cập tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

ông Tính
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô vận hành khách TPHCM: Bỏ giới hạn "không được lái xe quá 48 giờ/ tuần", mới chỉ là giải pháp tình huống. Song, về lâu dài vẫn phải gỡ một số "điểm mờ” trong Luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ông đánh giá thế nào về động thái mới đây của Bộ Công an khi đề xuất bỏ quy định giới hạn lái xe không quá 48 giờ/tuần?

Chúng tôi rất hoan nghênh động thái này. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Bộ Công an đã lắng nghe và tiếp thu phản ánh từ doanh nghiệp vận tải, điều mà chúng tôi đã kiến nghị từ giai đoạn còn là dự thảo Luật.

Việc quy định giới hạn giờ lái 48 giờ/tuần, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 – đúng dịp Tết Nguyên đán, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào thế bị động. Trong khi đây là giai đoạn "vàng" để ngành vận tải bù đắp chi phí, thì hàng loạt xe phải nằm bãi vì thiếu lái xe, kéo theo thiệt hại lớn.

Bộ Công an đã kịp thời nhìn nhận và đề xuất sửa đổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để thực sự gỡ khó cho doanh nghiệp, cần xử lý triệt để các bất cập đang tồn tại trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội ôtô vận tải hành khách TP HCM: Bỏ giới hạn
Mới đây, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên thời gian lái xe 1 ngày không quá 10 giờ, và không lái xe liên tục quá 4 giờ, nhưng sẽ bỏ giới hạn "không được lái xe quá 48 giờ trong 1 tuần", thay vào đó thời gian lái xe trong 1 tuần sẽ thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động.

Vậy theo ông, đâu là những điểm cần sớm sửa đổi trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

Thứ nhất, cần điều chỉnh độ tuổi lái xe cho phù hợp với Bộ luật Lao động. Hiện Luật TTATGTĐB giới hạn tuổi lái xe là 57 với nam và 55 với nữ, trong khi Bộ luật Lao động quy định lần lượt là 62 và 60 tuổi. Sự không đồng bộ này làm giảm nguồn lực lao động trong ngành.

Thứ hai, quy định về trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) còn mơ hồ, cần rõ ràng hơn. Chúng tôi đề xuất nếu GPLX chưa bị trừ hết 12 điểm trong năm thì nên được phục hồi lại toàn bộ vào năm sau – để khuyến khích lái xe an toàn, đồng thời giảm áp lực thiếu tài xế, đặc biệt ở nhóm xe khách trên 29 chỗ và xe hạng nặng.

Thứ ba, cần quy định rõ quyền của người có GPLX hạng cao hơn được phép lái xe hạng thấp hơn – điều phổ biến tại nhiều quốc gia nhưng hiện chưa có trong luật.

Thứ tư, việc đào tạo và chuyển đổi GPLX chưa có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: Người có hạng D1E, D2E, DE có được lái xe đầu kéo CE hay không? Có được thi chuyển sang hạng CE không? Những câu hỏi này vẫn đang bỏ ngỏ.

Bộ Công an đề xuất bỏ giới hạn
Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu Bộ luật Lao động để làm căn cứ, điều chỉnh cho phù hợp. Bởi, Luật TTATGTĐB quy định lái xe (nam giới) chỉ có 57 tuổi và lái xe nữ là 55 tuổi. Vấn đề này đang là trái với Bộ luật Lao động: 62 tuổi/Nam và 57 tuổi/Nữ (căn cứ theo tuổi nghỉ hưu của người lao động).

Một điểm gây nhiều phản ứng là việc yêu cầu đổi giấy chứng nhận đăng ký xe có chữ “V (vàng)”. Ông có thể nói rõ hơn?

Trước năm 2025, việc chuyển đổi sang biển số vàng được thực hiện linh hoạt, chỉ cần đổi biển, chưa yêu cầu đổi ngày trên giấy đăng ký. Tuy nhiên, từ 1/1/2025, Bộ Công an yêu cầu cập nhật lại ngày cấp trên Giấy chứng nhận đăng ký (CNĐK) xe có chữ V (vàng). Việc này làm khó doanh nghiệp.

Thực tế, cùng lúc doanh nghiệp phải triển khai gần 10 luật mới và hàng chục văn bản dưới luật. Đọc đã mệt, huống chi hiểu và triển khai. Trong khi đó, giấy CNĐK bản chính lại do ngân hàng giữ vì xe đang thế chấp, việc làm lại giấy càng thêm phức tạp.

Do vậy, để gỡ nút thắt này, Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM kiến nghị:

Một là, trước mắt, Bộ Công an nên gia hạn thời gian cập nhật ngày cấp trên giấy CNĐK có chữ V (vàng) đến 30/9 hoặc 31/12/2025, giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Hai là, đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành liên quan – Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng – thống nhất hướng dẫn về việc tạm mượn giấy CNĐK bản chính khi cần làm thủ tục hành chính.

Ba là, về lâu dài, cần luật hóa rõ quy định về thế chấp xe và quyền sử dụng giấy tờ gốc. Doanh nghiệp cần được chủ động sử dụng giấy đăng ký bản chính trong những trường hợp chính đáng, tránh bị “trói tay” bởi các quy trình hành chính cứng nhắc.

Từ thực tế này, ông có đề xuất gì để hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành vận tải?

Cần nhìn nhận ngành vận tải là mạch máu của nền kinh tế. Mọi điều chỉnh pháp luật liên quan phải được đánh giá kỹ lưỡng về tác động thực tiễn, đồng bộ với các luật khác và có thời gian chuyển tiếp hợp lý.

Một luật tốt không phải chỉ nằm ở câu chữ mà phải “sống được” trong đời sống doanh nghiệp. Nếu không lắng nghe thực tế, không điều chỉnh kịp thời, luật sẽ trở thành rào cản thay vì động lực phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất gỡ "điểm mờ” trong Luật giao thông để doanh nghiệp vận tải phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO