Sự phân mảnh của các địa phương, sự cạnh tranh nhau, sự đứt gãy… đang bộc lộ trầm trọng vấn đề thiếu quy hoạch.
>>Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng mềm cho miền Tây
COVID-19 đã khiến những mối liên kết kinh tế vùng bị đứt gãy nhưng cũng chính trong làn sóng COVID-19 thứ tư, chúng ta càng nhận ra với những thực thể kinh tế vùng thì không có xu thế, sức mạnh bó đũa nào mạnh hơn là liên kết lại.
COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh ở TP HCM và 19 tỉnh thành phía Nam trong năm 2021 đã chứng minh quan điểm chính xác của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, rằng vùng kinh tế TP HCM là một cơ thể mà Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ là 2 cánh tay trái và tay phải. Khi cơ thể TP HCM đổ ốm, sự ốm yếu lập tức lan ra sang các “bộ phận” – các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.
Đứt gãy chuỗi cung ứng
“Không thể có một cơ thể khỏe mạnh khi tay phải hay tay trái còn yếu và ngược lại khi tay trái hoặc tay phải yếu đi, TP HCM cũng chưa thể có sức mạnh cường tráng thực sự”, TS Vũ Thành Tự Anh nói. Quãng thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng mà mức độ đơn giản mới chỉ là “mớ rau” từ miền Đông lên TP hay “con cá” tới Sài Gòn, vì khó khăn trong vận chuyển và phân phối mà khựng lại, đã khiến không chỉ đời sống và chống dịch của người dân TP có một giai đoạn càng khó khăn, đồng thời cũng khiến tăng trưởng GDP của Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, và tất nhiên bao gồm của cả TP HCM, suy giảm.
Làm gì để chuỗi cung ứng luôn duy trì thông suốt không bị đứt gãy, làm gì để trong mối dây liên kết mỏng manh nhưng ngày càng “nhạy” giữa “thời tiết Covid” khiến “nơi này sổ mũi, chỗ khác hắt hơi”, làm gì để lợi ích kinh tế thiết thân của vùng sản xuất đến vùng tiêu thụ trực tiếp và cửa ngõ đi đến các vùng tiêu thụ gián tiếp được hài hòa đồng - đó chắc chắn là điều cần được rút ra từ COVID-19 vừa qua. Và bài học ấy không thể đơn sơ với đáp số về mở kết nối hạ tầng.
>>Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Khởi động ngay từ 0…
Xói nhân lực kinh tế vùng
Từng đoàn người đã rời TP HCM tìm đường về quê trong đại dịch khi COVID-19 khiến họ mất việc làm, thu nhập mất, cuộc sống đô thành chỉ còn bất trắc, lo âu. Nguồn nhân lực lớn rời khỏi TP HCM, xói chảy về các tỉnh gần trong 2 vùng Đông và Tây Nam Bộ, xa hơn ra tận miền Trung, miền Bắc, cho thấy một phần sức mạnh làm nên hoa lệ phồn thịnh của TP HCM, chính là con người của các tỉnh trong vùng và vùng cùng cộng hưởng.
Hình ảnh những cuộc ra đi ấy mãi để lại trong chúng ta nỗi buồn không thể nào quên về thân phận người lao động tha hương trong mùa dịch. Với kinh tế, đó là mối nguy khát thiếu công nhân lao động, dịch vụ khi kinh tế TP và các tỉnh thành ở 2 vùng phục hồi sản xuất.
Đặt câu hỏi sẽ ra sao trong tiến độ phục hồi của khu vực công nghiệp, chế biến chế tạo đang tích cực trở lại vào quý IV/2021, mà bước sang 2022 nếu tăng tốc, cần nhiều hơn nữa người làm nhưng nhân lực ngoại tỉnh vẫn chưa thể quay ngược con đường họ đã rời đi? - TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulright cho rằng đây là một vấn đề rất đáng để lo ngại. Không chỉ lo ngại cho công nghiệp, chế biến, chế tạo mà cả ở dịch vụ, khu vực vẫn chưa thể thực sự hồi sức trước những phấp phỏng về một đợt dịch mới thứ 5.
Quy hoạch và quy hoạch lại
Từ hai hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng và xói chảy lao động trong kinh tế vùng, sẽ chẳng có gì vui khi vào dịp đầu năm mới chúng ta phải bắt buộc thừa nhận: Sau hàng chục năm liên kết vùng, các mối liên kết vẫn chỉ dựa trên “thuận theo tự nhiên”, và/ hoặc, như TS. Vũ Thành Tự Anh đánh giá, ở mức kém hơn, vẫn là các địa phương cạnh tranh nhau.
Áp lực thu ngân sách hay hoàn thành các chỉ tiêu của từng địa phương khiến lý thuyết “kinh tế vùng” dù lấp lánh, tràn đầy hấp dẫn về triển vọng “địa bàn gà đẻ trứng vàng”, chỉ được ca ngợi trên giấy hoặc trong các cuộc họp, còn bản thân các địa phương vẫn phải tiếp tục ưu tiên mục tiêu của mình.
Ví dụ như dù là đầu tàu, là cơ thể không thể tách rời bộ phận các tỉnh trong 2 vùng, liên vùng, thì TP HCM vẫn phải lên kế hoạch thu phí gấp đôi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở tờ khai hải quan ngoài TP khi sử dụng kết cấu hạ tầng, cảng biển trên địa bàn… Hay ngược lại, theo TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính Tiền tệ quốc gia nhận xét, sau 35 năm đổi mới, TP HCM vẫn chỉ toàn đường “vành khuyên” mà không có đường “vành đai”, dẫn đến nhiều công trình trọng điểm, ví dụ sân bay Long Thành nếu làm đúng tiến độ thì cũng khó kết nối được với bằng cao tốc 4 làn xe như hiện nay.
COVID-19 là một “khúc quanh” nghiệt ngã của mọi nền kinh tế. Sự phân mảnh của các địa phương, sự cạnh tranh nhau, sự đứt gãy… đang bộc lộ trầm trọng vấn đề thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch mà túng thiếu mọi hạ tầng mềm cho đến phối hơp triển khai hạ tầng cứng, là thể chế, là “phân công” lao động vùng, là xác định vị trí đồng hành, tương hỗ của mỗi địa phương, là chuyện từ muốn “đi xa” đến thực sự có tâm thế “đi cùng nhau”. Bởi nếu vạn mối liên kết chỉ mãi dựa trên xuất phát địa lý tự nhiên và nhu cầu tự nhiên, mà chỉ cần đứng trước một “khúc quanh” là mọi sợi dây nối dễ dàng bị công phá, thì bao giờ để kinh tế vùng mới trở thành một thực thể bó đũa có sức mạnh không thể bẻ, có thể hướng đến mục tiêu đứng trên bảng đầu khu vực?
Có thể bạn quan tâm
Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng mềm cho miền Tây
14:00, 24/12/2021
Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Khởi động ngay từ 0…
11:00, 24/12/2021
Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội
05:00, 10/12/2021
Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Cơ chế phù hợp để phát triển hạ tầng
04:00, 28/11/2021
Hành lang kinh tế Đông Tây - đòn bẩy liên kết vùng: Thiếu “sếu đầu đàn”
15:12, 27/11/2021
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần nâng cấp lưới điện và tăng cường liên kết vùng
16:16, 26/11/2021