Nếu bạn muốn cải thiện doanh số bán hàng, thì Cutco - một công ty kinh doanh dao bếp và dụng cụ cắt gọt với tuổi đời gần 70 năm - là một nơi rất đáng để học tập.
Theo tạp chí Inc., trong số 1,5 triệu nhân viên kinh doanh xuyên suốt chiều dài lịch sử của doanh nghiệp này, có một người sở hữu nghệ thuật bán hàng nổi bật hơn cả - John Ruhlin.
Điều gì đã giúp cho Ruhlin vượt trội hơn so với những đồng nghiệp của mình để có thể ghi tên vào lịch sử của Cutco?
Được biết, khi mới thực tập tại Cutco, Ruhlin đã từng có lần bán dao cho người bố của bạn gái mình: ông Paul Miller - một doanh nhân và luật sư ở địa phương. Ruhlin đã gợi ý ông Miller mua những con dao bỏ túi của Cutco để làm quà tặng cho khách hàng. Dù đã đồng ý, song Miller nói rằng, ông muốn mua dao gọt trái cây thay vì dao bỏ túi. Khi Ruhlin hỏi lý do, ông đã trả lời: “Phần lớn khách hàng của tôi là người đã lập gia đình, và vợ của họ thường xuyên phải dùng dao gọt. Từ rất lâu rồi, tôi đã học được rằng, nếu cậu biết chăm lo cho gia đình, thì mọi chuyện khác đều sẽ tự sắp xếp đâu vào đó”.
Khắc ghi bài học này, Ruhlin đã bắt đầu thay đổi phương pháp bán hàng của mình. Sau khi kết hợp nó với những chiến lược bán hàng mang đậm dấu ấn cá nhân và mục tiêu đặt khách hàng làm trọng tâm, công việc kinh doanh của anh phất lên một cách nhanh chóng. Sau này, Ruhlin còn trở thành nhà sáng lập và CEO của Ruhlin Group - công ty chuyên giúp các doanh nghiệp củng cố mối quan hệ thông qua việc sử dụng quà tặng. Đồng thời, anh cũng cho ra đời quyển sách về nghệ thuật tặng quà với nhan đề Giftology.
Nếu bạn muốn cải thiện doanh số bán hàng của mình, hãy xem qua 3 bài học dưới đây, được trích từ quyển sách của Ruhlin.
Sự hào phóng, rộng lượng là một phẩm chất mà chúng ta nên sở hữu trong cuộc sống cá nhân lẫn trong công việc. Con người vốn dĩ rất coi trọng sự hào phóng. Thế nên, nếu bạn cho đi một cách rộng rãi, thì người khác cũng sẽ đối xử với bạn một cách rộng lượng.
Sau khi thành lập công ty của riêng mình, Ruhlin đã từng tham dự một buổi hội thảo của diễn giả nổi tiếng Cameron Herold. Với mong muốn được học hỏi nhiều hơn từ Herold, Ruhlin đã mời ông ăn tối và đi xem một trận đấu thể thao. Tuy nhiên, đến ngày hẹn của hai người, Ruhlin hay tin Herold đã rất mệt trong suốt tour hội thảo và chỉ muốn được nghỉ ngơi.
3 cấp độ của một mối quan hệ:
1.0 - Hỏi người khác giúp gì được cho mình
2.0 - Hỏi bản thân giúp gì được cho người khác
3.0 - Tăng giá trị cho cả hai bên
Biết được nhãn hiệu thời trang yêu thích của Herold là Brooks Brothers, Ruhlin đã mua hết tất cả những mẫu quần áo mới ra mắt trong bộ sưu tập mùa Thu tại cửa hàng, mỗi mẫu một bộ, và gửi đến tận phòng khách sạn của Herold. Khi Herold về đến phòng mình, ông đã choáng ngợp với hành động vô cùng chu đáo của Ruhlin. Dù chỉ giữ lại một vài món quà, song từ lúc đó trở đi, Herold đã luôn dành trọn thời gian cho Ruhlin, vào bất cứ khi nào Ruhlin cần.
Trong quyển sách Networking Is Not Working, tác giả Derek Coburn đã chia sẻ về cách thức chuyển đổi từ trạng thái của một mối quan hệ 1.0 (hỏi người khác giúp gì được cho mình) sang mối quan hệ 2.0 (hỏi bản thân giúp gì được cho người khác) và cuối cùng là mối quan hệ 3.0 (tăng giá trị cho cả hai bên). Coburn cho biết, bằng cách sử dụng chiến lược này, ông đã có thể phát triển doanh nghiệp của mình hơn 300% chỉ trong vòng 18 tháng.
Tại sao phương pháp này lại hiệu quả như vậy? Mấu chốt nằm ở chỗ, chẳng ai muốn gặp bạn chỉ để nghe về bản thân bạn và nhu cầu của bạn. Họ cũng có những vấn đề của riêng mình. Vì thế, hãy quan tâm, hỏi han các khách hàng thân thiết hoặc tiềm năng của bạn xem họ đang cần điều gì, và xem xét những vấn đề mà họ muốn giải quyết.
Những người bán hàng giỏi nhất thường là những người đặt nhiều câu hỏi nhất. Chiến lược bán hàng của bạn nên xoáy vào việc thể hiện cho các khách hàng thấy công ty của bạn là giải pháp mà họ đang cần.
Biết trân trọng người khác là một nghệ thuật ứng xử đơn giản nhưng hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua.
Có lần, Ruhlin từng gửi tặng một khách hàng tiềm năng 15 món quà trước khi người ấy đồng ý gặp anh. Điểm mấu chốt của phương pháp này không phải nằm ở số lượng hay giá trị của món quà. Chính việc đối phương chịu khó đào sâu tìm hiểu về sự quan tâm của một người mới là yếu tố ghi điểm. Sự quan tâm xuất phát từ chính bản thân của một người nào đó mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt, chứ không phải là bản thân món quà.
Thành công trong kinh doanh hay buôn bán đều nằm ở yếu tố con người. Nếu bạn chịu khó tìm tòi và đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu, bạn sẽ gặt hái được thắng lợi lớn.