Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình, đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ đề ra.
Với nhiệm vụ được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình, đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ đề ra.
Ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, Ban luôn thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, bám sát thực tiễn, đầu tư các dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và các dự án, công trình phục vụ nhu cầu cấp thiết của các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế -xã hội của tỉnh và kết nối vùng, khu vực. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện các dự án giao thông kết nối vùng, các tỉnh lân cận, đường vành đai thành phố Nam Định và các trục đường xuyên tâm, đặc biệt kết nối với hệ thống đường huyết mạch Quốc gia.
Theo ông Phương, hiện nay các phương tiện giao thông vẫn chủ yếu lưu thông qua thành phố Nam Định do thiếu các đường tránh thành phố và các cầu vượt sông. Do đó, mục tiêu trong thời gian tới tập trung hoàn thiện đồng bộ các tuyến đường: tuyến đường trục phát triển, tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy và thực hiện công tác GPMB để đầu tư đường cao tốc Nam Định - Thái Bình trong tổng thể tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng...
Các dự án giao thông khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng và khai thác có hiệu quả quỹ đất, tài nguyên biển, rút ngắn quãng đường vận chuyển, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu kết nối sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về chủ trương chung, kết nối đồng bộ giao thông tỉnh Nam Định được thể hiện trong các Nghị quyết tại Đại hội các cấp, đặc biệt Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, xác định hệ thống hạ tầng giao thông phải đi trước một bước tạo tiền đề để thu hút đầu tư.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, UBND tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đồng bộ từ xây dựng các tuyến tránh đô thị, hình thành đường vành đai thành phố Nam Định và các trục đường xuyên tâm, kết nối với các tỉnh lân cận, đặc biệt kết nối với hệ thống đường huyết mạch Quốc gia. Đồng thời, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, liên thông, kết nối phát triển vận tải đa phương thức, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và kết nối vùng, rút ngắn khoảng cách vận chuyển tới các vùng kinh tế hiện có và định hướng phát triển các vùng kinh tế mới...
Đồng thời, tỉnh Nam Định cũng đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương và thành lập các Ban chỉ đạo nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá cho phát triển đô thị, công nghiệp - thương mại - dịch vụ, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở chủ trương, quy hoạch hệ thống giao thông, tỉnh Nam Định đã tập trung phân bổ nguồn lực xây dựng trước những tuyến giao thông quan trọng như: Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường ven biển, Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định… Các dự án cơ bản đến năm 2025 sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, mở ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng và khai thác có hiệu quả quỹ đất, tài nguyên biển, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu kết nối sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Trong năm 2023, nhiều công trình, dự án quan trọng có vai trò động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Đồng thời đây cũng là năm có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đặc biệt, đây cũng là năm quyết định cho việc triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch đối với các công trình trọng điểm, các dự án tạo nguồn lực bao gồm cả đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách”, ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án phấn khởi chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm