Nhận định về đề xuất triển khai hóa đơn điện tử tại các cửa hàng xăng dầu để ngăn chặn hàng giả, trốn thuế, các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng điều này không cần thiết, gây lãng phí nguồn lực xã hội…
>>Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết rút ngắn thời gian điều chỉnh giá?
Theo đó, trong tờ trình vừa được gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng, đô thị, thời gian thực hiện sau 1 năm kể từ ngày Nghị định 95 sửa đổi có hiệu lực; đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các vùng miền núi thời gian thực hiện sau 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu áp dụng hoá đơn điện tử tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ngoài việc thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị đúng với quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các cửa hàng xăng dầu phải có một trong các loại hình, phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu, đảm bảo kết quả đó được kết nối, chuyển vào hệ thống hoá đơn điện tử để lập hóa đơn theo quy định về hóa đơn, chứng từ.
Xung quanh vấn đề này, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc phát sinh nhiều rủi ro như chi phí mua hóa đơn điện tử, đầu số có thể kết nối được không. Bởi các đầu số đời cũ sẽ không có khả năng kết nối được nên phải chi tiền đổi đầu số mới, phê duyệt lại mẫu, chi phí kiểm định, đo lường, mua phần mềm, thi công cáp kết nối. Đây là câu chuyện rất khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa.
Theo TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, việc cơ quan quản lý điều hành xăng dầu yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn mỗi lần bơm xăng bán cho khách là việc làm không hợp lý, gây lãng phí xã hội khi phải sử dụng lượng hóa đơn lớn, không cần thiết. Bởi xăng dầu có nguồn gốc xuất, xứ rõ ràng, giống như sản xuất xe gắn máy phải đăng ký xuất xưởng về số lượng và đăng ký lưu hành, không thể nói là trốn thuế được.
Còn xăng dầu khi đã nhập về bán, sau khi xuất hóa đơn theo yêu cầu của khách hàng để dùng vào việc thanh toán hoặc đưa vào chi phí hợp lý; số còn lại là phần mà người tiêu dùng không cần đến việc sử dụng hóa đơn, cuối ngày, doanh nghiệp vẫn phải tổng kết xuất bán lẻ theo dạng khách hàng không lấy hóa đơn. Nếu không thực hiện xuất hóa đơn để trừ tồn kho thì tồn kho tăng lên hàng ngày không có bồn nào chứa xuể, làm thế nào để phù hợp với quy mô dung tích của cửa hàng?
"Hiện nay, cửa hàng bán lẻ xăng dầu được thiết kế với sức chứa cụ thể được báo cáo qua cơ qua thuế, phòng cháy chữa cháy và Sở Công Thương. Các hoá đơn đầu vào, đầu ra đều được nhà cung cấp tổng hợp, kê khai, báo cáo thuế hàng tháng, hàng quý, nên cơ quan thuế dễ dàng đối chiếu, không thể nào có chuyện bỏ ngoài sổ sách để trốn thuế ở đây được.
Do vậy, lo ngại của Bộ Công Thương về gian lận hoá đơn là không thể xảy ra tại cửa hàng xăng dầu, ngoại trừ họ mua xăng dầu gian lận ngoài hải phận, không có đầu vào và không đúng nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Đối với việc mua hàng gian lận ngoài hải phận là chuyện lớn và thuộc trách nhiệm của Tổng cục Quản lý thị trường và cơ quan điều tra", ông Giang Chấn Tây nói.
>>Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Cần một cơ quan trung gian quản lý
Theo ông Giang Chấn Tây, mỗi một hóa đơn phát hành, doanh nghiệp bán lẻ phải mua với giá từ 433 đồng - 520 đồng/hóa đơn. Mỗi lần bơn xăng dầu bán cho khách sẽ xuất một hóa đơn điện tử, tốn đến khoảng 400-500 đồng, trong khi hoa hồng 300-400 đồng/lít xăng dầu, thử hỏi doanh nghiệp bán lẻ sống như thế nào.
"Đó là chưa kể ở vùng xa, người dân thu nhập thấp mỗi lần mua xăng chỉ có 20.000 đồng, chưa đến 1 lít mà phải xuất 1 hóa đơn có giá trị đến khoảng 500 đồng thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng", ông Giang Chấn Tây nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn.
Tuy nhiên để làm được, doanh nghiệp cần có sự đầu tư, bỏ ra chi phí duy trì thường xuyên nên các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng, gắn với các hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là hệ thống xăng dầu nhỏ lẻ có năng lực tài chính còn hạn chế.
“Do đó, theo tôi, để triển khai việc xuất hóa đơn điện tử cho người đổ xăng cần phải đưa chi phí đầu tư hạ tầng thiết bị đo kiểm, kết nối dữ liệu với hóa đơn điện tử vào các chi phí đầu tư, hạch toán các chi phí thường xuyên khi duy trì hoạt động này trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu với tỉ trọng khoảng 0,5%”, ông Bùi Ngọc Bảo nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm