Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 17/2012/TT-BTNMT ngày 29/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản, VCCI cho rằng, cần bảo đảm tính thống nhất về điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản…
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 5432/BTNMT-KSVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 17/2012/TT-BTNMT ngày 29/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản (Dự thảo).
Cụ thể, tại văn bản góp ý, về tính pháp lý, VCCI cho biết, Dự thảo sửa đổi Điều 2, Điều 3, Điều 4 và bãi bỏ Điều 5, Điều 6 Thông tư 17/2012/TT-BTNMT (Thông tư 17/2012). Tuy nhiên, Nghị định 60/2016/NĐ-CP, Nghị định 136/2018/NĐ-CP đã quy định về các nội dung quy định tại Điều 2, 3, 4, 5, 6 Thông tư 17/2012.
Như vậy, Dự thảo đã sửa đổi, bãi bỏ các quy định đã được thay thế hoặc bãi bỏ bởi các quy định cấp Nghị định. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật các quy định tại cấp Thông tư không được trái với văn bản cấp Nghị định.
Vì vậy, VCCI đề nghị, Ban soạn thảo xem xét lại tính pháp lý của các quy định được sửa đổi tại Dự thảo Thông tư này.
Về các sửa đổi tại Dự thảo, theo VCCI, so với quy định tại Nghị định 60/2016/NĐ-CP, Nghị định 136/2018/NĐ-CP, Nghị định 22/2023/NĐ-CP, Dự thảo có một số thay đổi, như: Hồ sơ hành nghề thăm dò khoáng sản (khoản 2 Điều 1 Dự thảo), bổ sung nội dung về tài liệu “giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần đăng ký ngành nghề trong đó có các hoạt động về thăm dò khoáng sản”.
“Yêu cầu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp “cần đăng ký ngành nghề trong đó có các hoạt động về thăm dò khoáng sản” là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020, khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề kinh doanh, trong các pháp luật chuyên ngành về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện không còn xem xét ngành nghề khi đăng ký kinh doanh”, VCCI góp ý.
Đồng thời cho rằng, hiện nay, các thông tin về doanh nghiệp có thể tra cứu trên Hệ thống thông tin về doanh nghiệp, do đó các cơ quan cấp phép không còn yêu cầu phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Về yêu cầu phải kèm theo giấy phép thăm dò khoáng sản kèm theo Hợp đồng thi công đề án thăm dò khoáng sản, VCCI cho rằng, việc yêu cầu cung cấp giấy phép thăm dò là không cần thiết, bởi vì cơ quan cấp phép có thể tra cứu trên hệ thống dữ liệu thông tin của Nhà nước. Trong xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay, cơ quan Nhà nước không yêu cầu cung cấp các giấy tờ, thông tin có thể tra cứu trên hệ thống dữ liệu thông tin của Nhà nước.
Cùng với đó, về điều kiện đối với chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản, Dự thảo đã bỏ yêu cầu kinh nghiệm 05 năm tham gia thi công đề án điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản. Đây là quy định tạo thuận lợi hơn cho chủ nhiệm đề tài thăm dò khoáng sản.
Để bảo đảm tính thống nhất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đề xuất sửa đổi các Nghị định 60/2016/NĐ-CP, Nghị định 136/2018/NĐ-CP, Nghị định 22/2023/NĐ-CP theo hướng: Bỏ các giấy tờ, tài liệu mà cơ quan cấp phép có thể tra cứu trong hệ thống thông tin dữ liệu của cơ quan nhà nước; Bỏ yêu cầu kinh nghiệm 05 năm tham gia thi công đề án điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản như đề xuất tại Dự thảo