Kinh tế thế giới

“Báo động đỏ” cho USD

Trương Khắc Trà 10/05/2025 11:05

Đồng USD tiếp tục “trượt dốc”, giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022, khi các nhà đầu tư toàn cầu rút khỏi tài sản của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng thuế quan leo thang.

usd index
USD index có xu hướng giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2025.

Theo nhiều chuyên gia, USD có thể tiếp tục mất giá nếu cuộc chiến thuế quan vẫn kéo dài.

Hiện tượng nghịch lý?

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0,2 điểm phần trăm, trong khi đồng USD lao dốc hơn 9% so với rổ tiền tệ chủ chốt kể từ giữa tháng 1/2025. Trong đó, gần 40% mức giảm diễn ra từ ngày 1/4/2025. Thị trường đồn đoán rằng các tổ chức quản lý tài sản nước ngoài đang âm thầm bán tháo đồng USD vì quan ngại rằng rủi ro tại nền kinh tế số 1 thế giới đang gia tăng.

Thông thường, khi xảy ra các biến cố tiêu cực với nền kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu, thì đồng USD là một trong những lựa chọn “trú ẩn” an toàn nhất, giúp đồng tiền này tăng giá. Nhưng lần này, đồng bạc xanh lại là “nạn nhân” của việc mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, niềm tin vào đồng USD được xây dựng trên nền tảng vững chắc của thể chế Mỹ, vai trò của FED trên thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, và thị trường trái phiếu kho bạc có quy mô khổng lồ. Tuy nhiên, niềm tin đó đang bị xói mòn bởi cuộc chiến thuế quan làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến lạm phát gia tăng và sụt giảm tiêu dùng. Ngoài ra, với lượng lớn trái phiếu Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, nguy cơ xảy ra làn sóng rút vốn hiện hữu. Nếu nhu cầu trái phiếu giảm, ngân sách liên bang Mỹ sẽ chịu áp lực lớn.

Ngoài ra, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ FED bị “động chạm” với những phát ngôn gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump: chê trách Chủ tịch FED Jerome Powell chậm giảm lãi suất, thậm chí có lúc đòi sa thải ông Powell… Mặc dù các học giả chỉ ra rằng điều này không thể xảy ra, nhưng không thể ngăn cản bán tháo USD.

Ông Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex, chia sẻ với Bloomberg rằng: “Nếu Hoa Kỳ rơi vào kịch bản với một ngân hàng trung ương không hoặc không thể hành động độc lập, thì khả năng suy thoái kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn, khiến thị trường càng có lý do để lo ngại hơn”.

chi so 2
Việc đồng USD giảm giá sẽ tác động tích cực đến những quốc gia dựa vào nhập khẩu hàng hóa, cũng như các quốc gia đang phải trả nợ bằng đồng tiền này.

Tác động toàn cầu

Hiện tượng đồng USD mất giá phản ánh bản chất “tài sản không tự sinh ra cũng không mất đi, mà chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Minh chứng là yên Nhật, Euro, franc Thụy Sĩ, bảng Anh, đô la Úc đồng loạt tăng giá, chứng nhỏ nhà đầu tư chuyển tài sản của họ sang “nơi trú ẩn” mới. Mặc dù vậy, hiện tại chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế USD trong giao dịch thương mại, định giá hàng hóa và lưu trữ tài sản an toàn.

Việc đồng USD giảm giá sẽ tác động tích cực đến những quốc gia dựa vào nhập khẩu hàng hóa, cũng như các quốc gia đang phải trả nợ bằng đồng tiền này. Nhưng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ, đó có thể không phải là một thông tin tích cực. Bởi vì, USD giảm sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu vào Mỹ, khiến người tiêu dùng chi trả nhiều hơn cho hàng nhập khẩu. Còn doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó tiêu thụ hàng hóa. Đối với các nhà xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ hưởng lợi, vì USD tiếp tục giảm sẽ giúp hàng hóa của họ cạnh tranh hơn ở nước ngoài.

Đối với Việt Nam, dù USD giảm trên thị trường quốc tế, nhưng USD/VND vẫn tăng. Bởi vì, chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gia tăng áp lực lên tỷ giá USD/VND. Các biện pháp áp thuế mới có thể gây tác động gián tiếp đến dòng vốn ngoại tệ vào Việt Nam từ kênh xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo MBS, trong ngắn hạn, việc Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày sẽ khiến mùa cao điểm xuất khẩu đến sớm hơn vào quý 2/2025. Các khách hàng ở Mỹ lo ngại về chính sách thuế quan bất định sau đó nên sẽ tăng cường nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ trong nước, góp phần xoa dịu căng thẳng tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên trong giai đoạn nửa sau của năm 2025, sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu và giải ngân FDI sẽ tác động bất lợi rõ nét hơn đến tỷ giá USD/VND. MBS cho rằng có 2 yếu tố cần được đánh giá và theo dõi sau khi có quyết định cuối cùng của chính quyền Trump về thuế quan với Việt Nam.

Thứ nhất, mức thuế đối ứng với Việt Nam là bao nhiêu để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.

Thứ hai, thuế đối ứng của Việt Nam so với các nước đối thủ sẽ tác động như thế nào đến sự chuyển dịch của doanh nghiệp FDI trong dài hạn. Áp lực lên tỷ giá USD/VND vẫn là một yếu tố cần theo dõi sát sao trong các tháng tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều biến động khó lường.

Mặc dù chính sách thuế quan từ phía Mỹ được dự báo sẽ gây áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND, nhưng NHNN đã phát đi thông điệp ưu tiên giữ mặt bằng lãi suất thấp, nới room tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy NHNN có thể nâng mức chấp nhận sự mất giá của VND trong biên độ hợp lý nhằm hỗ trợ xuất khẩu và kích thích sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Báo động đỏ” cho USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO