Nhiều nguồn xả chưa qua xử lý tại các Khu Công nghiệp (KCN) và Cụm Công nghiệp (CCN) đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, Nghệ An vẫn còn 77 cơ sở kinh doanh nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 73 cơ sở đã đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Nguồn xả thải vẫn tràn lan
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều nguồn xả thải chưa qua xử lý an toàn vẫn còn tồn tại gây bức xúc trong dư luận.
Đặc biệt, Nghệ An còn có 16 nguồn thải lớn, trong đó có 13 nguồn nước thải công suất 1000m3/ngày/đêm và 03 cơ sở có nguồn khí lưu thải lưu lượng lớn vượt quá mức cho phép theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ.
Điển hình như nhà máy sản xuất bao bì Sabeco Sông Lam nằm trong KCN Bắc Vinh (đi vào hoạt động từ năm 2009) nhưng nhiều năm nay, đơn vị này đã xả thải trực tiếp ra môi trường khiến 11 héc ta đất hoa màu các xóm Mỹ Long, Trung Mỹ, Yên Xá, Mỹ Hoà… của xã Hưng Đông, Tp Vinh bị thiệt hại nặng nề. Theo đó, toàn bộ diện tích canh tác lúa, hoa màu nói trên cũng như ao nuôi thủy sản của HTX Hưng Đông 1 và HTX Đông Vinh của xã Hưng Đông đã bị giảm năng suất, không thể canh tác, bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Qua tìm hiểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đang có 9 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng, trong đó có 6 KCN đã và đang xây dựng, đi vào hoạt động với tổng lượng nước thải phát sinh trên thực tế khoảng 2.750m3/ngày/đêm.
Ngoài ra, Nghệ An cũng đã quy hoạch và triển khai xây dựng 20 CCN trên địa bàn.
Lại chuyện thiếu vốn
Tình trạng ô nhiễm môi trường đã được phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí người dân còn gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Trong một báo cáo trình trước HĐND gần đây, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, để tình trạng ô nhiễm môi trường còn tồn tại trên địa bàn nguyên nhân là do thiếu kinh phí để xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải. Việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân để tham gia xã hội hoá đầu tư các dự án nói trên chưa hiệu quả.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề môi trường, Nghệ An cũng cần làm tốt công tác thẩm định và cấp giấy phép về bảo vệ môi trường ở các cấp. Đối với các dự án đầu tư, tỉnh cần quản lý chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường cũng như các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường các dự án. Đặc biệt, cần chú trọng khâu khảo sát lựa chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ thân thiện môi trường, chỉ cho phép các dự án đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.