Kinh tế

Tiếp tục gỡ khó chính sách cho doanh nghiệp

Yến Nhung 08/12/2024 11:05

Để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2024, cả nước có hơn 147,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.450,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 905,7 nghìn người. Kết quả này giảm 0,5% về số doanh nghiệp, 0,5% về vốn đăng ký và giảm 8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết để thúc đẩy phát triển công nghệ số - Ảnh: ITN
11 tháng năm 2024, cả nước có hơn 147,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, cả nước có gần 71,3 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 lên hơn 218,5 nghìn đơn vị, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân một tháng có gần 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Lũy kế 11 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96,2 nghìn đơn vị, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có gần 57,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9% và gần 19,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Bình quân một tháng có hơn 15,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước thực trạng trên, đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, đơn hàng, dòng tiền, thông tin thị trường, tiếp cận vốn vay… vẫn là những khó khăn được “gọi tên”. Đối với các thách thức lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh nửa đầu năm 2025, các vấn đề được “gọi tên” không mới nhưng có thay đổi về thứ tự gồm về đơn hàng (56,1%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%); thủ tục hành chính (44,4%); về dòng tiền (37,7%); thông tin thị trường (31,7%); tiếp cận vốn vay (30,8%). Theo đó, vẫn có nhiều biến số trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do COVID-19, lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Đa số ý kiến thống nhất việc ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là cần thiết - Ảnh minh họa: ITN
Để hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh: ITN

Theo đại điện Ban IV, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi. Các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi.

"Về định hướng chính sách, Thủ tướng Chính phủ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn hiện hữu mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Bên cạnh việc Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo…", đại diện Ban IV đề xuất.

Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng, trước tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đồng thời, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; tăng cường quản lý thương mại điện tử, phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu…

Cùng với đó, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp tục gỡ khó chính sách cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO