Trong lúc chờ đợi hàng lang pháp lý, tài sản số đang thu hút đông đảo các nhà đầu tư quan tâm với dòng tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam rất lớn.
Trao đổi tại diễn đàn về đầu tư gần đây, TS. Phạm Anh Khôi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam thông tin, hiện số lượng nhà đầu tư Việt Nam có tài khoản trên các sàn như tài sản số đã lên đến con số hơn 20 triệu, lớn hơn số tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán.
Đây là số liệu khiến TS. Phạm Anh Khôi từng phải ngạc nhiên tìm hiểu. Tham gia cộng đồng của những nhà đầu tư tài sản số, TS. Phạm Anh Khôi nhận thấy, có sự tham gia của đa phần là các bạn trẻ. Với đặc thù đầu tư tài sản số là chia rất nhỏ nên dễ dàng thu hút các nhà đầu tư tham gia hơn các kênh đầu tư khác.
Bên cạnh một số thị trường truyền thống hiện có, những số liệu trên cho thấy tiềm năng đầu tư tài chính tại Việt Nam còn rất lớn.
Theo thông tin từ Chainalysis đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy, có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam tính tới tháng 6/2023. Trong tài sản số, hiện tài sản thực được số hóa (Real World Asset - RWA), có thể hiểu là các tài sản hữu hình trong thế giới thực, được mã hóa và đưa vào hệ sinh thái blockchain như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, hàng hóa như vàng, dầu, cà phê đang phát triển.
Theo TS. Phạm Anh Khôi, RWA có nhiều ưu điểm vượt trội như được đảm bảo giá trị bởi tài sản thực kết hợp với tính minh bạch ở mức độ cao, tốc độ giao dịch nhanh chóng, xuyên biên giới của công nghệ blockchain thay vì chờ đợi theo các quy định T+2 như hiện nay và có thể được phát hành bởi các định chế tài chính khác nhau. Chẳng hạn, Ngân hàng đầu tư châu Âu đã phát hành trái phiếu được token hóa trên các nền tảng do HSBC, Goldman Sachs và các tổ chức khác cung cấp. Năm 2023, Ngân hàng JPMorgan đã giúp thực hiện hơn 300 tỷ USD hợp đồng mua lại trong ngày từ nền tảng của họ.
Trên toàn cầu, theo báo cáo của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group, quy mô thị trường RWA dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030. Trong khi đó, Standard Chartered dự đoán thị trường này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp.
Cũng theo thông tin từ TS. Phạm Anh Khôi, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia đã cởi mở một cách thận trọng với tài sản số. Trong đó, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ RWA. Một số quốc gia khác đang cân nhắc xu hướng này.
Tại Việt Nam, hiện nay, tài sản số đã bắt đầu được quan tâm nhưng vẫn thiếu hành lang pháp lý quản lý nên toàn bộ giao dịch chưa được kiểm soát tốt. TS. Phạm Anh Khôi nhận định, nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ, dòng tiền từ tài sản số có thể sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế; đồng thời mở rộng kênh huy động vốn lớn từ thế giới cho các doanh nghiệp trong nước.
“Tài sản số nói chung và RWA là cơ hội giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các dự án có tài sản thực tại Việt Nam” - TS. Phạm Anh Khôi cho hay.