24h

TikToker Mr Pips và sự thật đằng sau bí quyết “tiền đẻ ra tiền”

Khôi Nguyên 08/12/2024 16:00

Thường xuyên khoe mẽ cuộc sống xa hoa, hào nhoáng cùng những video dạy làm giàu, TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam) bất ngờ bị khởi tố về hành vi lừa đảo…

tiktoker-mr-pips-va-su-that-dang-sau-bi-quyet-tien-de-ra-tien-2.png
Phó Đức Nam được cộng đồng mạng biết đến là một TikToker với những video khoe nhà cửa, siêu xe, tiền, vàng hay đồng hồ hàng hiệu. Ảnh: Facebook nhân vật.

Không ai nghĩ rằng phía sau những hình ảnh hào nhoáng, lái siêu xe, đếm vàng, đô la của TikToker "Mr Pips" lại là một đường dây lừa đảo tài chính “khổng lồ”. Với hơn 5.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt và hơn 20 đồng phạm vừa bị khởi tố, vụ án này không chỉ gây chấn động dư luận mà còn là bài học đắt giá cho giới trẻ về cạm bẫy của lối sống "phông bạt" hiện nay.

Trước khi khởi tố, Phó Đức Nam (sinh năm 1994) với nickname "Mr Pips" nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội qua nhiều video dạy làm giàu bằng đầu tư hay hướng tới xây dựng cộng đồng đầu tư tài chínhTrên các ứng dụng như TikTok, YouTube…, clip mới nhất mà Mr Pips đăng tải cách đây hơn 2 tháng. Từ đó đến nay không có bất kỳ clip nào mới cho tới khi thông tin "hot" TikToker này bị khởi tố.

Đáng chú ý, với việc liên tục khoe cả đống tiền, siêu xe, rất nhiều clip dạy làm giàu, dạy đầu tư của Phó Đức Nam thu hút cả trăm nghìn hoặc triệu view. Không chỉ khoe lãi, khoe giàu, Phó Đức Nam cũng thường xuyên đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo của mình về giá vàng, tiền ảo...

Trong một clip dài hơn 1 tiếng đăng tải từ tháng 8 năm nay, Phó Đức Nam đã livestream dạy đầu tư "thực chiến" trong lĩnh vực chứng khoán quốc tế, Forex... Nam khuyên ai muốn đầu tư "nghiêm túc" thì đừng bỏ 5 triệu đồng, mà nên có số vốn vài nghìn USD. "Mình có tài khoản đang giao dịch lên tới 2 triệu USD... Nhiều người hỏi mình là giàu số mấy Việt Nam?", Nam vừa nói vừa khoe với các thành viên danh mục đang lãi lớn.

Để kết nạp nhiều thành viên tham gia hội nhóm của mình, Nam cũng thường xuyên khoe các nhóm chat Telegram với hàng trăm thành viên. Cách thức hoạt động hội nhóm của Nam là "show" danh mục để các thành viên tham gia theo hình thức "copy-trade".

"Copy-trade" trong đầu tư chính là hình thức sao chép giao dịch, mục tiêu cuối cùng để người sao chép hưởng lợi nhuận mà không cần tốn sức nghiên cứu thị trường, lãi hay lỗ phụ thuộc vào hiệu quả các tài khoản được sao chép.

Do vậy, để lôi kéo các thành viên tham gia, Nam thường xuyên khoe mình "gồng lãi". Thậm chí có nhiều video Mr Pips còn bày tỏ "đạo lý" hay mong muốn xây dựng được cộng đồng đầu tư tài chính lành mạnh ở Việt Nam, từ đó mang lại kiến thức đầu tư cho nhiều người.

tiktoker-mr-pips-va-su-that-dang-sau-bi-quyet-tien-de-ra-tien-1.png
Một số hình ảnh khoe mẽ của Mr Pips. Ảnh: Internet

Sau khi thông tin Phó Đức Nam bị khởi tố, nhiều người mới "vỡ lẽ" TikToker Mr Pips này đã cùng đồng phạm núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng để tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với những mã cổ phiếu như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas, nhằm dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.

Sau khi các bị hại đã thua hết tiền, nhóm này sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn, cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại. Đáng chú ý, khi khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong toả tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.000 tỉ đồng.

Từ vụ án này, cơ quan chức năng cho biết, hiện nay, trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội có rất nhiều các tài khoản quảng cáo chỉ cần bỏ vốn trong thời gian ngắn có thể thu về lợi nhuận gấp nhiều lần mà không cần tư duy, tốn công sức khi sao chép lại danh mục các "master", "siêu trader"…

Tuy nhiên, khá nhiều tài khoản trong số này chào mời đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo… và khác với cách lừa đảo "truyền thống", các đối tượng này sẽ hướng dẫn nhà đầu tư "copy" theo danh mục của các nhà đầu tư "siêu giỏi", lợi nhuận sẽ được chia 7 - 3, tức nhà đầu tư "không cần làm gì", chỉ cần bỏ vốn nhưng nhận về 70% lợi nhuận, 30% còn lại là phí "trả công".

Để tránh bị lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến nghị người dân cần giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng, đơn vị giao dịch có uy tín và được xác thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TikToker Mr Pips và sự thật đằng sau bí quyết “tiền đẻ ra tiền”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO