Bạo hành trẻ em không chỉ là tội ác!

Sông Hàn 23/02/2019 11:00

Trẻ em chính là tương lai của cộng đồng, của đất nước. Ðánh trẻ em, không chỉ là tội ác mà còn đánh vào tương lai của cộng đồng.

Mấy ngày nay, thông tin một em bé ở Thanh Hóa bị bố đẻ bạo hành gây nên nhiều vết thương bầm tím ở vùng mông, mặt, tay và lưng đang nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của dư luận.

Theo đó, chiều ngày 21/2, chị Lê Thị Hương (33 tuổi) dẫn con gái là bé Lê Thị Thu Nhung (8 tuổi) đến UBND xã Nông Trường -  huyện Triệu Sơn – tỉnh Thanh Hóa để khai báo về việc bé bị bố đẻ bạo hành. Và nguyên nhân chỉ vì học kém hơn anh trai.

 Hình ảnh cháu bé bị bố bạo hành.

Hình ảnh bé Lê Thị Thu Nhung (8 tuổi) bị bố bạo hành.

Đáng chú ý, sau gần 10 năm chung sống, do hôn nhân không hạnh phúc nên năm 2017 vợ chồng ly dị.  Cháu Nhung cùng anh trai ở với ông bà nội và bố. Người bố này không có nghề nghiệp ổn định, có hai tiền án về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Người mẹ nói và cho hay “đã rất sốc khi nhìn thấy con bị đòn vọt bởi chồng cũ”. Vâng, không chỉ riêng người mẹ cảm nhận được nỗi đau đó, mà dường như bất kể ai xem hay đọc những thông tin, hình ảnh đó cũng thấy đau lòng, phẫn nộ. Sự việc trên càng minh chứng thêm một lần nữa, nạn bạo hành con cái đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc làm cha, làm mẹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bạo lực gia ảnh hưởng thế nào tới GDP?

    01:00, 13/12/2018

  • “Vùng tối” của bạo lực gia đình

    12:01, 28/06/2018

  • Nhức nhối lời giải cho “vấn nạn” bạo lực?

    07:31, 05/12/2017

  • Bạo lực trẻ em và những nỗi lo không thừa!

    14:45, 28/11/2017

  • Đại biểu Quốc hội phân tích tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường

    15:06, 01/11/2017

  • Bạo lực học đường: Nỗi đau ám ảnh suốt cuộc đời

    14:41, 04/10/2017

  • “Xây” yêu thương chống bạo lực

    11:05, 21/06/2017

  • Bạo lực học đường - do đâu?

    14:56, 11/11/2016

  • Chung tay chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

    00:00, 24/11/2011

Nhìn lại vài năm trở lại đây, dư luận đã không ít lần bàng hoàng và đau xót tột cùng khi chứng kiến những đứa trẻ bị bạo hành man rợ. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác, mà nó còn là một vết thương lớn không bao giờ có thể hàn gắn được trong tâm hồn của những đứa trẻ thơ ngây.

Điển hình là câu chuyện bé trai 10 tuổi sống giữa Hà Nội bị chính cha ruột bạo hành đến mức gãy xương sườn, rạn sọ não khiến ông bà nội và mẹ ruột không thể nhận ra được con cháu của mình. Hoặc, vụ bé 7 tuổi tại Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn bằng cách đánh lõm đầu, dí thanh sắt nung đỏ vào má, vào tay khiến cháy da, sém thịt. Những vết bỏng sâu trên cơ thể em tố cáo tội ác dã man “như thời trung cổ” của người lớn đã gây phẫn nộ với dư luận..v..v.

Những sự việc kiểu thế này làm chúng ta phải nhắc lại một số liệu thống kê từ Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực. Con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam.

Có thể nói, sự tàn tệ của người lớn, nhất là những người đó lại mang danh bố mẹ của các em là biểu hiện của cái ác, cũng đồng thời là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, không tôn trọng quyền trẻ em, không tôn trọng pháp luật. Trong khi, gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ của trẻ lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng cho trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào còn bị xem nhẹ.

Rồi, quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi chính là mắt xích gây ra những sự việc này. Lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “con hư thì phải dạy” khiến người ta coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường. Sự thiếu hiểu biết và “lạm quyền” của người lớn đã gây tổn hại cho trẻ nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia xã hội học cho rằng: “Bố mẹ ở Việt Nam vẫn có quan niệm dạy con theo phương pháp “yêu cho roi cho vọt”. Những trẻ em bị cha mẹ bạo hành thường rơi vào trường hợp cha mẹ có học vấn thấp, nông thôn, hoặc gia đình phức hợp (cha dượng, mẹ kế). Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ có xu hướng bạo hành, trả thù đời, những suy nghĩ về hôn nhân bị ảnh hưởng,... vì chúng bị trải qua một tuổi thơ bị bạo hành”.

Cần phải nhớ, hiện chúng ta không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính. Cùng với đó, nhà nước còn giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em cho 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp Trung ương đến tận xã- phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác hỗ trợ, bảo trợ, chăm sóc trẻ em trong thực tế không được như kỳ vọng.

Trẻ em cần được sống trong tình yêu thương, sự tử tế của người lớn và trước hết là gia đình, người thân các em, sau nữa là cả xã hội. Bởi, trẻ em chính là tương lai của cộng đồng, của đất nước. Ðánh trẻ em, không chỉ là tội ác mà còn đánh vào tương lai của cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bạo hành trẻ em không chỉ là tội ác!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO