BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại và chuyển từ tác phong hành chính sang phục vụ.
>>Lạng Sơn: Tạo thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa dịp cuối năm
Với mục tiêu "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ"; "Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ", BHXH tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại và chuyển từ tác phong hành chính sang phục vụ.
Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài đã tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc thực hiện các mục tiêu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tại tỉnh Lạng Sơn, công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phát triển người tham gia bị hạn chế rất nhiều, nhiều tháng phải dừng hoạt động do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, giảm lao động, do đó số người tham gia BHXH bắt buộc cũng giảm mạnh, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, do đó việc thu BHXH, BHYT cũng rất khó khăn.
Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngành đã chủ động bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn.
Trong đó, ngành tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; Tiếp nhận và giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ BHXH, với 20.816 hồ sơ hưởng các chế độ BHXH; phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh, bà Phương Thảo chia sẻ.
>>Lạng Sơn: PCI cần sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp
>>Lạng Sơn: Hoãn tổ chức Lễ động thổ dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn
Theo báo cáo ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lạng Sơn, năm 2021 số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHXH thất nghiệp, BHYT đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao, nổi bật là có 14.704 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 100,1% kế hoạch BHXH Việt Nam giao và tăng 13,7% so với năm 2020; toàn tỉnh có 733.850 người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93% dân số).
Phối hợp với ngành Y tế tổ chức đảm bảo quyền lợi KCB cho người tham gia BHYT. Tổng chi khám chữa bệnh BHYT tại khoảng 509.348 triệu đồng. Năm 2021, tổng thu BHXH, BHYT tỉnh Lạng Sơn đạt 1.671.871 triệu đồng, tăng 1,85% so với năm 2020.
Theo Giám đốc BHXH Lạng Sơn, cải cách là để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đang thực hiện nhận và trả kết quả theo 3 hình thức, gồm: Giao dịch điện tử (68%); qua dịch vụ bưu chính (0.02%) và trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận 1 cửa tại huyện (31,98%).
Đáng chú ý, trước đây việc giao dịch điện tử chỉ thực hiện được giữa cơ quan BHXH và đơn vị sử dụng lao động, thì những năm gần đây, người lao động có thể giao dịch điện tử về một số TTHC qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ năm 2021, người lao động có thể sử dụng ứng dụng VssID để thực hiện một số thủ tục hành chính như cấp mất thẻ BHYT do hỏng mất, cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin, gửi hồ sơ thanh toán hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP...
Được biết, hết năm 2021, CBNV BHXH tỉnh đã tuyên truyền, vận động được trên 80.000 lao động cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Đây là bước chuyển đối số mạnh mẽ, mang nhiều tiện lợi cho người tham gia, vừa đảm bảo việc tra cứu thông tin, vừa đảm bảo tính hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm trong việc giao dịch hồ sơ và thực hiện thủ tục KCB thay thẻ BHYT.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có ý nghĩa hết sức thiết thực nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, người dân bị ảnh hưởng và góp phần giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Qua đó, BHXH tỉnh Lạng Sơn được UBND tỉnh đánh giá xếp hạng 2 về năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành năm 2021. Hiện, ngành tiếp tục thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC; thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng TTHC, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC ; tiếp tục duy trì và mở rộng triển khai thanh toán điện tử song phương với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm