Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được ban hành kịp thời, phần nào đã “lấp” đi “khoảng trống” pháp lý để có cơ sở bảo vệ người tiêu dùng được tốt hơn, tuy nhiên, nội dung điều chỉnh để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử chưa được quy định đầy đủ, do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.
Đây là chia sẻ của luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW với DĐDN.
Giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng, kéo theo nhiều nội dung về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT cần phải được thể chế hóa. Ông đánh giá như thế nào về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều quy định mới, đặc biệt là các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng khi đã bổ sung và quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Đồng thời, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng, Luật đã bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công khai các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng… tuy nhiên, việc điều chỉnh giao dịch TMĐT chưa được đề cập nhiều trong Luật này.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 37 có ghi nhận: “Trường hợp giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật này, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan” và tại điểm n khoản 3 Điều 39 có ghi nhận, tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian “chịu trách nhiệm với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về TMĐT trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước và nước ngoài bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”.
Từ phân tích trên có thể thấy còn những “lỗ hổng” pháp lý đối với giao dịch TMĐT, thưa ông?
Thực tế cho thấy, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và pháp luật trong kinh doanh thương mại hiện chưa điều chỉnh kịp thời đối với những tình huống thương mại mới phát sinh như: Giao kết, đặt hàng, mua bán… bằng hình thức online; dẫn đến tranh chấp, phát sinh khi giao kết và thực hiện các hợp đồng giao dịch điện tử xuất hiện chưa được giải quyết kịp thời, thỏa đáng cho người tiêu dùng.
Cùng với đó cũng chưa có quy định cụ thể để làm cơ sở hướng dẫn quy trình thu nhập chứng cứ điện tử, căn cứ xác minh tính chính xác của dữ liệu điện tử để giải quyết các vụ án tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử. Trong khi, việc thu thập, đánh giá chứng cứ và xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử trên thực tế rất khó khăn. Bởi, hàng hóa kinh doanh trên giao dịch thương mại điện tử dễ phát sinh tranh chấp thường có nguồn gốc từ nước ngoài.
Chưa kể, dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 dành hẳn Chương IV quy định về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dùng, tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao khá cụ thể và đầy đủ, nhưng quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi lại chưa được cụ thể. Do vậy, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Luật cũng chưa có quy định khung về tiêu chí để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đối với người tiêu dùng để các cơ quan chức năng có cơ sở đưa ra khuyến nghị, cảnh báo cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định các giải pháp nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật và nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật hướng tới bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật trong hoạt động giao dịch TMĐT như: Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế… theo hướng tăng chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những hành vi làm lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, những hành vi lừa đảo, mua bán hàng gian, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ… nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh TMĐT.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; xây dựng cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trân trọng cảm ơn ông!