Quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” tại Bộ luật Hình sự hiện hành, vẫn còn đó một số bất cập, dẫn đến thực tiễn áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất.
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, thực tiễn áp dụng, một số quy định trong Bộ luật Hình sự đã bộc lộ những điểm bất cập, đặc biệt là Điều 190 quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của con người, ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa giải thích cụ thể về một số tình tiết trong cấu thành tội phạm của tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
Theo đó, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa giải thích cụ thể thế nào là “hàng cấm”, cũng như hành vi “sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
Không chỉ có vậy, cũng chưa có quy định dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan để áp dụng khi xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật nên thực tiễn áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất.
Cụ thể, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã giải thích các khái niệm “hàng cấm” và hành vi “sản xuất”, “buôn bán” tại các khoản 1, 2, 5 Điều 3. Tuy nhiên, Nghị định này không đưa ra khái niệm cụ thể mà chỉ quy định: “Hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam”.
Điều 8 Nghị định này liệt kê các hành vi buôn bán hàng cấm như: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; buôn bán pháo nổ; buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, nhưng không nêu rõ hàng hóa khác là những hàng hóa gì. Điều này dẫn đến quy định về “hàng cấm” không bao quát hết tất cả các trường hợp có thể phát sinh trên thực tế.
Còn những bất cập nào đáng chú ý liên quan đến quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” không, thưa ông?
Ngoài những vấn đề nêu trên, quy định này còn gây khó khăn trong việc định giá hàng cấm để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Ví dụ: Hàng cấm là pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, hàng hóa khác Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng tại các điểm d, đ khoản 1; các điểm h, i khoản 2; các điểm d, đ khoản 3 Điều 190 Bộ luật Hình sự đều có quy định trị giá hàng cấm để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Như vậy, để có căn cứ xử lý hình sự đối với người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu định giá tài sản hàng cấm là pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu hoặc hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự căn cứ khoản 2 Điều 15 (thứ tự ưu tiên định giá tài sản là hàng cấm) Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính Phủ về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và Thông tư số 30/2020 ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP để xác định: “Đối với tài sản là hàng cấm, Hội đồng định giá tài sản tiến hành khảo sát giá trên thị trường không chính thức (nếu có) tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác có diễn ra giao dịch mua bán hàng cấm”.
Việc quy định giá trị hàng phạm pháp (hàng cấm) để xử lý trách nhiệm hình sự như vậy rất bất cập, vướng mắc vì hàng cấm là loại hàng không được phép lưu hành trên thị trường nên thường không có giá chính thức, dẫn đến khó khăn khi xác định giá.
Từ những bất cập này, để tạo thuận lợi cho việc thực thi pháp luật, lành mạnh môi trường kinh doanh, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, cần bổ sung khái niệm về “hàng cấm” và các vấn đề khác có liên quan như “sản xuất hàng cấm”, “buôn bán hàng cấm” vào Bộ luật Hình sự hoặc các văn bản dưới luật; quy định cụ thể hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành tại Việt Nam là những hàng hóa gì vào Điều 190 hoặc quy định cụ thể vào văn bản hướng dẫn thi hành danh mục hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, lưu hành, sử dụng và dẫn chiếu quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật để các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính, xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Cùng với đó, cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết trường hợp nào hàng cấm cần phải trưng cầu giám định và trường hợp nào hàng cấm không cần phải trưng cầu giám định và hướng dẫn cụ thể việc định giá tài sản đối với tài sản là hàng cấm.
Trân trọng cảm ơn ông!