Có quá nhiều vấn đề về chi phí đang xảy ra với hệ thống doanh nghiệp nhỏ tại Hoa Kỳ, nhưng Nhà Trắng có thể sắp chấm dứt đàm phán thương mại với nhiều đối tác.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết thuế quan đối ứng sẽ sớm có hiệu lực nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận thương mại trong thời gian 90 ngày. Hiện có 18 đối tác thương mại quan trọng mà Hoa Kỳ tập trung nhất vào việc củng cố các thỏa thuận thương mại.
Tuần trước, ông Trump phát biểu trong một cuộc họp bàn tròn kinh doanh ở Abu Dhabi rằng: chúng tôi có cùng lúc 150 quốc gia muốn đạt được thỏa thuận thương mại, nhưng sắp hết thời gian để các quốc gia thực hiện một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.
Do còn quá nhiều quốc gia chưa thể đàm phán, ông Scott Bessent đưa ra phương án “thỏa thuận tập thể theo khu vực”.
Một số nguồn tin thân tín với Nhà Trắng tiết lộ, trong vòng vài tuần tới, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ sẽ gửi thư đến từng đối tác để thông báo về những điều kiện mà họ phải đáp ứng để được kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng, vì chi phí tăng vọt và kế hoạch tăng trưởng không chắc chắn do thuế quan biến động. Các công ty chuyển chi phí thuế quan cho khách hàng bằng cách tăng giá để tránh thu hẹp biên lợi nhuận, một quan niệm mà chính quyền Trump đã nhiều lần phản đối.
Ông Bessent cũng được chất vấn về sự bất ổn và bất ngờ do thuế quan của chính quyền Trump gây ra. Ông trả lời rằng “chiến thuật đàm phán của chúng tôi là bất ổn chiến lược”.
“Nếu chúng ta đảm bảo quyền lợi chắc chắn cho các quốc gia khác, thì họ sẽ lấn lướt chúng ta trong các cuộc đàm phán. Tôi tin rằng khi kết thúc các cuộc đàm phán này, cả các nhà bán lẻ, người dân Mỹ và người lao động Mỹ sẽ được hưởng lợi”, ông Bessent nói.
Tương phản với những gì nội các ông Trump đang thể hiện, doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ đang bị thử thách khả năng sống còn. Elizabeth Renter, chuyên gia kinh tế cấp cao tại NerdWallet, nói: “giảm và hoãn thuế là cần thiết, nhưng đừng tự lừa dối mình. Tác động của cuộc chiến thương mại này sẽ rất đáng kể và tôi nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ hơn, có khả năng là tồi tệ nhất”.
Walmart là công ty có nguồn lực tốt nhất để ứng phó với thuế quan, cũng buộc phải tăng giá hàng hóa trong vài ngày tới. “Nếu một nơi nào đó như Walmart ra tín hiệu rằng họ sẽ tăng giá, chúng tôi biết rằng áp lực đối với các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ rất lớn” - Elizabeth Renter bình luận.
Thuế quan đã phá vỡ hàng loạt mối quan hệ trong chuỗi cung ứng phức tạp được xây dựng qua hàng thập kỷ, rất nhiều mặt hàng thiết yếu không thể sản xuất tại Hoa Kỳ.
Một chiếc xe đẩy bán hàng trên đường phố, nếu được mua từ bên ngoài chỉ có giá 39 USD/chiếc, nhưng chế tạo nó tại Hoa Kỳ sẽ tốn 200 USD/chiếc. Đây là vấn đề mà Francine Farkas Sears, nữ doanh nhân người Mỹ, có thâm niên 50 năm làm ăn với đối tác tại Trung Quốc - dẫn chứng về sự bất lực của nền sản xuất trong nước.
Theo ông Trump, mỗi ngày Hoa Kỳ thu 2 tỷ USD thuế quan, nhưng vấn đề trốn thuế đang diễn ra với các lô hàng nhập khẩu. Điều đó được thực hiện bằng cách thành lập các công ty vỏ bọc để xóa dấu vết.
Một báo cáo của Goldman Sachs được công bố vào tháng 1 ước tính rằng mức thuế mà ông Trump áp dụng đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình đã khiến các khoản trốn thuế lên tới 110 - 130 tỷ USD vào năm 2023, trong đó việc khai báo giá trị thấp hơn và dán nhãn sai mỗi lần chiếm 40 tỷ USD, còn việc chuyển hướng chiếm 30 - 50 tỷ USD.