Năm 2018, khi Hạ Long vững vàng định danh mình là “thủ phủ du lịch” của khu vực phía Bắc thì bất động sản nghiễm nhiên là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất.
Gỡ nút thắt cho bất động sản
Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2018 sôi động, và nhịp đập trên thị trường bất động sản Hạ Long đang hối hả đi theo tiến độ ba dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 25/12 là ngày Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn chính thức đi vào vận hành cũng là thời điểm “chốt” mà Quảng Ninh chỉ đạo nhà thầu phải thi công xong toàn bộ tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn để kết nối đồng bộ với các tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội.
Những động thái trên cho thấy, sau cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (thông xe 1/9), Hạ Long còn nhiều “ngòi nổ” đã sẵn sàng để kích hoạt thị trường BĐS. Chưa bao giờ thế chân kiềng hạ tầng - du lịch - bất động sản được hình thành rõ ràng đến vậy tại vùng “đất rồng”.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, 10 tháng năm 2018, ước tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 10,7 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 19% so với cùng kỳ và chiếm gần 1/3 con số khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm (12,8 triệu lượt).
Xét trên lượng du khách và doanh thu từ du lịch, Hạ Long đã định vị danh xưng “thủ phủ du lịch” của khu vực phía Bắc. Nhưng thực tế, theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển của Hạ Long còn rất lớn và sẽ được “khai mở” khi sân bay quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động. Lần đầu tiên, khách du lịch bốn phương có thể di chuyển thẳng đến Quảng Ninh bằng đường hàng không. Con đường mà hơn 80% khách quốc tế lựa chọn để ghé thăm Việt Nam trong 10 tháng qua (10,4 trên 12,8 triệu lượt ).
Theo ông Vũ Kiêm - Giám đốc một sàn bất động sản tại Hạ Long, thông xe cao tốc và việc sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng hành khách quốc tế Hòn Gai sắp đưa vào khai thác tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố giúp cho việc khai thác vận hành các sản phẩm bất động liên quan đến du lịch hiệu quả hơn.
“Hệ thống hạ tầng đồng bộ sẽ đảm bảo Hạ Long không chỉ có sức hút về du lịch mà còn liên quan đến công nghiệp, thương mại. Chẳng hạn, khi những tập đoàn, doanh nghiệp lớn về “đóng quân” trên địa bàn sẽ kéo theo lực lượng lao động lớn với nhu cầu tất yếu về dịch vụ lưu trú, mua sắm…, thúc đẩy bất động sản phát triển” - ông Vũ Kiêm đánh giá.
Đến sớm, đến muộn không bằng đến đúng lúc
Từ câu chuyện của các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang tham chiếu với Hạ Long, nhiều chuyên gia đánh giá, với bệ phóng từ du lịch và hạ tầng, bất động sản Hạ Long còn nhiều cơ hội tăng tốc. Trong khi đó, quỹ đất có thể phát triển bất động sản du lịch ở Hạ long ngày càng cạn kiệt, nhất là ở khu vực Bãi Cháy. Đây là yếu tố lý giải cho sự “sục sôi” của giới đầu tư địa ốc khi tìm kiếm các sản phẩm, dự án bất động sản ở Hạ Long hiện nay.
Đáng chú ý, trong bức tranh thị trường đang dần định hình thời gian qua và càng về thời điểm cuối năm, shophouse được ghi nhận là dòng sản phẩm thu hút hàng đầu. Là một trong những giải pháp để kích thích du khách mua sắm, thúc đẩy hoạt động thương mại tại các điểm du lịch, shophouse trở thành đối tượng săn lùng của giới đầu tư.
Đặc biệt, những căn shophouse có vị trí đắc địa tại các quần thể du lịch, nghỉ dưỡng được xem như mũi tên vàng trúng hai mục đích, sinh lời từ các hoạt động giao thương và kích thích tăng trưởng du lịch.
Hạ Long đón gần 11 triệu lượt khách du lịch trong 10 tháng đầu năm 2018, trong khi cả tỉnh chỉ có 57 cơ sở kinh doanh đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, bao gồm 31 điểm mua sắm, 26 nhà hàng. Một con số quá ít ỏi và không thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm của du khách, đồng nghĩa không thể kích cầu tiêu dùng, hút tiền từ nguồn khách tiềm năng này.
Theo các chuyên gia, chừng nào hoạt động mua sắm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vẫn còn là điểm yếu và thiếu của Hạ Long thì chừng đó shophouse vẫn còn là đối tượng kiếm tìm của giới đầu tư.