Các thương hiệu bất động sản hàng hiệu ngoài ngành khách sạn đang dần khẳng định vị thế tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho thị trường.
Năm 2024, thị trường bất động sản hàng hiệu tiếp tục xu hướng mở rộng toàn cầu, ghi nhận tăng trưởng đáng kể cả về số lượng dự án và phạm vi địa lý. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy mạnh mẽ tại các khu vực như Trung Đông và Châu Phi, ước tính mở rộng 270% vào năm 2024. Dubai tiếp tục dẫn đầu thế giới, theo sau là các thị trường trọng điểm như Miami, New York, Phuket và London.
Mặc dù lâu nay Bắc Mỹ chiếm ưu thế trong ngành, thị phần của khu vực này đã giảm xuống dưới 50% vào năm 2015, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 25% vào năm 2031. Ngược lại, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (CA – TBD) đang nổi lên như một động lực tăng trưởng quan trọng với khả năng cạnh tranh với khu vực Bắc Mỹ trong 12 năm tới.
Tại khu vực CA – TBD, các thị trường năng động hàng đầu trong phân khúc bất động sản hàng hiệu gồm có Phuket và Đà Nẵng/Hội An. Trong thập kỷ qua, thị trường bất động sản hàng hiệu đã tăng trưởng hơn 180% trên toàn cầu, 230% tại CA - TBD và 210% tại Việt Nam.
Đánh giá tiềm năng của Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội, nhấn mạnh: “Việt Nam, đặc biệt các vùng ven biển, là một điểm sáng tại khu vực CA – TBD đối với thị trường bất động sản hàng hiệu. Hiện nay, bất động sản hàng hiệu xuất hiện trên khắp cả nước, như Nobu Residences tại Đà Nẵng, The Residences at Arbora tại Hội An.
Các dự án tương lai như Mandarin Oriental, Bãi Nồm tại Phú Yên cũng thu hút khách hàng thuộc nhiều phân khúc khác nhau trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nhu cầu từ các nhà phát triển bất động sản hàng hiệu đối với các dự án tại khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng tiếp tục tăng trưởng. Nổi bật có The Ritz-Carlton Residences tại The Grand – với vị trí ở trung tâm Hà Nội và Grand Marina Saigon - khu căn hộ hàng hiệu Marriott - tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến phân khúc bất động sản hàng hiệu sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai”.
Báo cáo của Savills cho thấy thị trường bất động sản hàng hiệu vẫn đang cạnh tranh khốc liệt, với các thương hiệu tập trung vào việc bảo vệ và mở rộng thị phần. Trong nhóm thương hiệu khách sạn, dẫn đầu là Marriott International. Thương hiệu này đã giữ vị trí đứng đầu thị trường từ năm 2002. Danh mục bất động sản hàng hiệu của Marriott đã tăng trưởng 50% kể từ năm 2019 và dự kiến sẽ tăng thêm 90% vào năm 2025, duy trì tăng trưởng bền vững.
Đáng chú ý, gần đây, The Ritz-Carlton đã vượt Four Seasons để giành vị trí dẫn đầu, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng ấn tượng trong các dự án độc lập, chiếm một phần ba tổng số bất động sản hàng hiệu toàn cầu của thương hiệu này. Khi các thương hiệu khách sạn mở rộng, họ tiếp tục dẫn đầu trong việc cung cấp dịch vụ tích hợp và trải nghiệm sống sang trọng, thu hút các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Các thương hiệu khách sạn thống trị thị trường bất động sản hàng hiệu, chiếm 79% thị phần. Trong đó, các thương hiệu xa xỉ chiếm 2/3 thị trường, 1/3 còn lại bao gồm các thương hiệu trung cấp, cao cấp và trên cao cấp.
Các thương hiệu phi khách sạn chiếm 21% thị trường bất động sản hàng hiệu, với YOO, Pininfarina và Elie Saab dẫn đầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi như Nam Mỹ. Những thương hiệu này tập trung vào các sản phẩm độc đáo, được thiết kế riêng, đậm tính bản sắc riêng, mang phong cách thẩm mỹ khác biệt và tính độc quyền. Trong khi các thương hiệu khách sạn cung cấp dịch vụ tích hợp, các thương hiệu ngoài ngành khách sạn thu hút khách hàng nhờ chú trọng vào phong cách sống xa hoa và thiết kế.
Trong khi các phân khúc không xa xỉ phụ vụ đa dạng đối tượng khách hàng, sự khác biệt trong hành vi mua của người tiêu dùng được thấy rõ nhất giữa các phân khúc cao cấp và siêu cao cấp, nơi bất động sản hàng hiệu bắt đầu chuyển mình từ một sản phẩm phong cách sống sang một sản phẩm đầu tư tiềm năng. Điều này khác biệt so với các phân khúc thấp hơn – những dự án ưu tiên đáp ứng nhu cầu về chỗ ở.
Xét về từ góc độ quy mô chuỗi, phân khúc cao cấp chiếm ưu thế trong thị trường bất động sản không xa xỉ toàn cầu, trong khi phân khúc trung cấp và cao cấp ghi nhận mức tăng trưởng 24%. Tại khu vực CA – TBD, hai phân khúc này nổi bật hơn so với mức trung bình toàn cầu và các khu vực khác.
Thị trường bất động sản hàng hiệu đang mở rộng, với các dự án độc lập dự kiến sẽ tăng từ 8% lên hơn 12% trên toàn cầu. Trong khi các thương hiệu khách sạn như The Ritz-Carlton vẫn dẫn đầu, các thương hiệu ngoài ngành khách sạn, đặc biệt là Pininfarina, đang nhanh chóng mở rộng trên thị trường.
Ông Matthew nhận định: “Những thương hiệu phi khách sạn tập trung vào giá trị thương hiệu, thẩm mỹ và văn hóa địa phương, kết hợp giữa sự xa xỉ, thiết kế và tính chân thực. Cách tiếp cận này thu hút một nhóm khách hàng đa dạng hơn và thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực bất động sản hạng sang khi các thương hiệu khách sạn và phi khách sạn phát triển”.
Theo báo cáo thường niên về bất động sản hàng hiệu của Savills, các thương hiệu đang mở rộng ra ngoài các thành phố cửa ngõ và thủ đô, khám phá những điểm đến xa và biệt lập hơn. Ví dụ, Six Senses, thuộc IHG Hotels & Resorts, nổi bật nhờ chiến lược tập trung vào khu nghỉ dưỡng với các dự án tại Belize, Grenada và Iceland. Alexandra Yao, Giám đốc Toàn cầu về Bất động sản Hàng hiệu tại IHG, khẳng định cam kết của công ty trong việc mở rộng danh mục bất động sản nhà ở toàn cầu, bao gồm cả các khu đô thị và khu nghỉ dưỡng.
Kể từ những năm 1980, ngành công nghiệp này đã duy trì sự cân bằng giữa các dự án đô thị (53%) và khu nghỉ dưỡng (47%), nhưng theo dự báo, vào cuối kỳ dự báo, bất động sản hàng hiệu khu nghỉ dưỡng sẽ chiếm 49% thị trường.