14h chiều hôm nay (ngày 12/01/2022), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tổ chức Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”.
>> Địa ốc miền Trung: Khẩu vị nhà đầu tư có thay đổi?
>> Địa ốc Miền Trung sẽ "vượt bão"?
Như chiếc lò xo nén do ảnh hưởng của đại dịch, thị trường bất động sản miền Trung đang trên đà bật tăng trở lại nhờ sức bật từ hạ tầng và tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Báo cáo quý III/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài, thị trường miền Trung vẫn ghi nhận lượng giao dịch bất động cao hơn miền Nam.
Riêng khu vực Bắc Trung Bộ, ghi nhận của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có những thời điểm phải áp dụng chỉ thị 16, giãn cách toàn xã hội, song, các dự án đất nền, nhà liên kề của các chủ đầu tư uy tín vẫn nhận được sự quan tâm tích cực của người mua, giá biến động tăng khoảng 5% so với quý trước đó.
Đặc biệt, sau giãn cách, một số thị trường cũng chứng kiến các cơn sóng ngầm sốt đất nền riêng lẻ như tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh với mức giá trúng đấu giá đất cao không tưởng. Tại Quảng Trị cơn sốt chạy theo dự án đang được đề xuất bởi Vincom Retail tại TP Đông Hà.
Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, một số thị trường được đánh giá tiềm năng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa. Trong đó, báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 10/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, Đà Nẵng là thị trường dẫn đầu cả nước về tốc độ phục hồi nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà đất. Cụ thể, nhu cầu quan tâm, tìm mua bất động sản tại Đà Nẵng tăng 94% so với tháng 9, lượng tin rao bán nhà phố, đất nền tại Đà Nẵng cũng tăng hơn 170%.
So với thời điểm trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4 (tháng 4/2021) nhu cầu giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng đã phục hồi gần 70%. Bên cạnh một số dự án mới rục rịch triển khai, thị trường này cũng dần mở cửa chào đón lượng khách du lịch và nhà đầu tư quay trở lại sau giãn cách.
Trong khi đó, báo cáo của Công ty DKRA Vietnam cũng ghi nhận thị trường nhà phố/biệt thự Đà Nẵng, Quảng Nam chào đón các dự án mói sau dịch, các dự án cung cấp cho thị trường khoảng 404 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 70%.
Cũng nằm trong vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thị trường bất động sản Khánh Hòa trước gần như “đóng băng” trong nhiều năm do địa phương đang thực hiện những thao tác “chữa lỗi” sai phạm kéo dài. Tuy nhiên, gần đây, các dự án bất động sản tại đây đang “rục rịch” tái khởi động, thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
Ghi nhận của các đơn vị cho thấy, Khánh Hòa gần đây cũng đã chứng kiến dòng tiền cấp tập chảy về thị trường địa ốc khi các dự án tiếp tục chào bán giai đoạn tiếp. Đặc biệt, thị trường đất nền riêng lẻ tiếp tục sốt nóng tại huyện Cam Lâm và Thị trấn Ninh Hòa.
Theo các chuyên gia, một trong những đòn bẩy cho thị trường phục hồi của thị trường miền Trung đến từ công tác đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Chính phủ có nhiều quyết sách phát triển hạ tầng để kết nối miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Chính cho biết, hiện miền Trung có 12 sân bay, trong đó có tới 6 sân bay quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có hệ thống cảng biển quốc gia, phục vụ các khu công nghiệp, phát triển giao thương quốc tế như Thanh Hóa - cảng Nghi Sơn, Nghệ An – cảng Cửa Lò, Hà Tĩnh - cảng Vũng Áng, Thừa Thiên Huế - cảng Chân Mây, Đà Nẵng - cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa; Bình Định - cảng Nhơn Hội; Phan Thiết – cảng Hòn Rơm.
Có thể bạn quan tâm |
Về các tuyến đường bộ, bên cạnh Quốc lộ 1 hiện hữu, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.; tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) cũng chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, miền Trung có các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án này đang được đẩy mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào năm 2023.
“Những nút thắt về giao thông qua miền Trung và cả nước đã dần tháo gỡ, tạo đà cho nhiều thành phần kinh tế phát triển, trong đó có bất động sản” – ông Chính chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, mặc dù thời gian qua có không ít thách thức, khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư cho khu vực này, song, rõ ràng sự phát triển thực tế đã tạo được điểm nhấn cho khu vực miền Trung khoảng 7 năm trở lại đây và đà này vẫn tiếp tục tịnh tiến.
“Nỗ lực của Chính phủ rất lớn và quyết liệt khi tập trung dồn nguồn lực và quy hoạch phát triển hạ tầng khu vực này, góp phần tạo sức bật cho thị trường bất động sản miền Trung bứt phá, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư” – TS Võ Trí Thành nhận định.
Các chuyên gia cũng nhận định, hạ tầng là thỏi nam châm hút dòng đầu tư lớn về thị trường, minh chứng là làng sóng đầu tư của các “đại bàng” bất động sản đến đây và kéo theo đó là dòng tiền lớn đổ về thị trường đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng và cả bất động sản công nghiệp trong thời gian qua.
Theo Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Smart City Trần Hoài Nam, “luồng gió” đầu tư mới có xu hướng tăng cao trong thời gian hiện nay đang chứng kiến một lượng lớn nhà đầu tư “đổ bộ” từ những khách hàng đã hưởng lợi không ít từ các sàn chứng khoán, tiền ảo, lan đột biến… trong thời gian qua và có “hơi hướng” dịch chuyển dòng tiền đầu tư vào bất động với hy vọng mang lại giá trị bền vững và mang tính thanh khoản cao.
Do đó, việc thị trường bất động sản miền Trung có chuyển biến tích cực trong thời gian tới là điều đương nhiên, vấn đề còn lại là tùy thuộc vào việc “chớp” cơ hội của nhà nhà đầu tư vào thời điểm nào để đạt giá trị như kỳ vọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, khi có sự xuất hiện của các “đại bàng” thì nhà đầu tư cũng nên cảnh giác trước việc “thổi giá” của một số đối tượng nhằm trục lợi trên thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, các nhà nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường cần tìm hiểu rõ chủ đầu tư đã hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hay chưa, các nguồn lực chủ đầu tư huy động là gì, từ tín dụng, nội tại đến bài toán liên kết liên doanh với các chủ đầu tư khác.
Ông Lê Đình Tuân – Tổng giám đốc CTCP bất động sản Saco chia sẻ, thị trường còn mới và trên đà tăng trưởng, theo đó cũng nhiều chủ đầu tư non trẻ tham gia do đó có thể dẫn tới thực trạng các dự án không hoàn thành hoặc chậm tiến độ, hoặc sốt đất ảo diễn ra tại nhiều địa phương.“Việc tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án, tiềm lực chủ đầu tư là vô cùng quan trọng" – ông Tuân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Địa ốc Miền Trung và câu chuyện “tránh bẫy”
06:00, 11/01/2022
Địa ốc Miền Trung sẽ "vượt bão"?
06:00, 10/01/2022
Địa ốc miền Trung: Khẩu vị nhà đầu tư có thay đổi?
13:05, 07/01/2022
Bất động sản miền Trung đón xu hướng đầu tư mới
11:00, 04/01/2022
Ngày 12/01: Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”
13:00, 28/12/2021