Nhờ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của cơ quan quản lý Nhà nước, hàng trăm dự án bất động sản đã được tái khởi động, sớm ra hàng nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, quý 1 năm 2025, nguồn cung toàn thị trường BĐS nhà ở Việt Nam đạt 27 nghìn sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 14.500 sản phẩm chào bán mới, chỉ bằng khoảng 1/2 quý trước nhưng tăng gấp 3 so với quý 1 năm 2024. Còn lại là hàng tồn tiếp tục chào bán.
Bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam cho biết, các dự án mở bán nhà ở trong quý 1 nhìn chung đều được hấp thụ tốt, nhờ nhu cầu ở thực vẫn trong xu hướng tăng. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư lạc quan hơn về kỳ vọng tăng giá trong trung - dài hạn nhờ động lực tăng trưởng kinh tế và hệ thống hạ tầng giao thông phát triển.
Đáng chú ý là tín hiệu về việc “nới lỏng” tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, với chỉ đạo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp của Chính phủ, góp phần kích thích nhu cầu BĐS, không chỉ ở nhóm người mua để ở mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài được ưa chuộng.
Tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường đạt 45%, tương đương với 12.273 giao dịch, bằng 50% quý trước nhưng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ tăng 15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 20 điểm phần trăm so với năm 2024. Tốc độ hấp thụ ở mức ổn định trong bối cảnh nguồn cung được cải thiện và mặt bằng giá chưa có nhiều điều chỉnh.
Tỷ lệ hấp thụ các dự án mới mở bán vẫn rất tích cực, đạt khoảng 60%, đặc biệt tại các tỉnh, thành có thông tin cụ thể về quy hoạch, hạ tầng và có dự án mới như Hà Nội, TP. HCM, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên. Đây cũng là những khu vực đang thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư Hà Nội.
Phân khúc căn hộ tiếp tục dẫn dắt thị trường, đóng góp tới 72% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ có xu hướng chậm lại do nguồn cung vẫn được đóng góp chủ yếu từ các dự án ở khu vực Hà Nội trong khi sức cầu tại Hà Nội đang trong giai đoạn điều chỉnh sau thời kỳ tăng trưởng “nóng”.
Tỷ lệ hấp thụ tại các dự án thấp tầng mở bán mới đạt khoảng 52%. Một số dự án có giá bán cao vẫn thu hút nhu cầu mua nhà để ở của giới “tinh hoa” và nhu cầu đầu tư của các khách hàng có mong muốn trú ẩn tài sản dài hạn trước các thông tin ấn định về việc triển khai hạ tầng mới. Giúp các dự án ở khu vực lân cận được hưởng lợi.
Trên thị trường thứ cấp, giao dịch và giá sản phẩm thấp tầng, đất nền cũng ghi nhận tăng mạnh. Nhất là khu vực vùng ven Hà Nội, nhờ hưởng lợi từ hàng loạt các dự án mới triển khai có giá bán cao. Thậm chí nhiều căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang nhiều năm được rao bán với mức giá tăng tới 30%, thậm chí gấp đôi so với năm 2023. Nhưng thực tế lượng giao dịch và mức giá giao dịch chỉ ghi nhận tăng tại các lô đất có giá trị đầu tư hợp lý, thường ở mức dưới 2 tỷ đồng, có pháp lý đảm bảo tại các khu vực có hạ tầng đang triển khai thực tế hoặc tại các sản phẩm thấp tầng trong các dự án đại đô thị quanh khu vực đã được đầu tư về hạ tầng, và có đầy đủ các dịch vụ tiện ích.
Đặc biệt, thị trường có sự chuyển dịch với làn sóng “Nam tiến” của cả lực lượng môi giới bán hàng, lẫn khách hàng và nhà đầu tư nhằm đón đầu làn sóng đầu tư từ hàng loạt dự án quy mô đa dạng ở khu vực miền Nam đã và dự kiến ra mắt trong thời gian tới.
Việc triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực với quy mô dự án NƠXH đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng năm 2024 tăng lần lượt 46% và 13,4% so với năm 2023, nhất là tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng. Nhờ hàng loạt các động thái sát sao của các cấp, ngành. Nhất là việc Thủ tướng giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển KTXH.
Không chỉ thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho các đối tượng chỉ định, Đảng, Nhà nước còn có nhiều động thái nhằm hỗ trợ nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là người trẻ và đã có những kết quả cụ thể. Theo đó, ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thực hiện chương trình gói tín dụng hỗ trợ người dưới 35 tuổi mua nhà, hàng loạt gói vay ưu đãi theo định hướng trên đã được các Ngân hàng thương mại “tung” ra. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, góp phần làm tăng niềm tin cho người dân.
Đáng chú ý, sự phân hóa nguồn cung giữa các địa phương, khu vực đã được cải thiện trong quý 1. Cụ thể, dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, 53% nguồn cung BĐS nhà ở mở bán được đóng góp bởi các dự án tại miền Bắc, giảm 7 điểm phần trăm so với thống kê của cả năm 2024. Tỷ trọng đóng góp của khu vực miền Nam cũng có xu hướng cải thiện, đạt 35%, tăng hơn 11 điểm phần trăm so với thống kê của cả năm 2024 nhờ nhiều hơn các dự án ra hàng, triển khai trở lại sau khi được tháo gỡ, vướng mắc và xác nhận xu hướng phục hồi của thị trường.
Nguồn cung BĐS nhà ở cũng ghi nhận giảm bớt sự phân hóa giữa các doanh nghiệp cung ứng, khi các doanh nghiệp “khác" đóng góp tới 63,3% nguồn cung mở bán trong quý, tăng hơn 25 điểm % so với thống kê vào năm 2024. Tuy nhiên, xu hướng phân hóa vẫn tiếp diễn trong giai đoạn tiếp theo khi các dự án mới chủ yếu được triển khai bởi các doanh nghiệp lớn, vốn có lợi thế về nhiều mặt