Thị trường bất động sản đang chứng kiến làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ sang các mô hình phát triển carbon-neutral và công trình đạt chứng chỉ xanh.
Đây không chỉ là hành động nhằm bảo vệ môi trường, mà còn là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các chủ đầu tư.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, bất động sản (bao gồm xây dựng và vận hành công trình) chiếm tới 39% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò của ngành, nhiều chủ đầu tư đã tích cực đón đầu xu thế, hướng đến phát triển công trình xanh, carbon-neutral nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia Net Zero.
Báo cáo tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam năm 2024 do hệ thống chứng nhận EDGE và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới) công bố cho thấy sự tăng trưởng đột phá: Việt Nam hiện có 559 công trình với tổng diện tích sàn 13,6 triệu m² đạt chứng chỉ xanh, cùng hơn 31.000 căn hộ và hơn 3.200 nhà ở riêng lẻ được chứng nhận. Riêng năm 2024, số công trình xanh đạt chứng chỉ đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước, phản ánh sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng này.
Trong bối cảnh các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội liên tục lọt top những đô thị ô nhiễm nhất thế giới, người dân Việt Nam ngày càng ưu tiên lựa chọn các không gian sống trong lành, thân thiện với môi trường.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cuối năm 2024 cho thấy, 86% người tham gia khảo sát quan tâm đến việc mua nhà xanh và 88% sẵn sàng chi thêm tiền cho những sản phẩm này. Điều đó cho thấy, bất động sản xanh không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là đòi hỏi thực tiễn từ thị trường.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt từ châu Âu và Singapore, cũng đang đặt yếu tố ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) làm tiêu chí tiên quyết trong quyết định đầu tư. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam nếu sớm đón đầu xu hướng xanh, không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu mà còn gia tăng khả năng tiếp cận dòng vốn quốc tế.
Việc phát triển bất động sản xanh không chỉ mang lại lợi ích thị trường mà còn được hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn 2050 đã xác định phát triển đô thị xanh, thông minh, phát thải thấp là một định hướng trọng tâm. Nhiều địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội đã đưa tiêu chí công trình xanh vào điều kiện phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Về tài chính, chủ đầu tư các dự án xanh có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tài chính khí hậu, phát hành trái phiếu xanh hoặc nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức như IFC (World Bank), GIZ (Đức) hay AFD (Pháp). Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược theo chuẩn ESG.
Thực tế cho thấy, các dự án đạt chứng chỉ xanh có khả năng giữ giá tốt hơn trên thị trường thứ cấp. Theo Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC), công trình xanh có thể gia tăng giá trị tổng thể tới 7% trong vòng 5 năm.
Đầu tư vào công trình xanh cũng mang lại hiệu quả vận hành đáng kể. Dữ liệu từ Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cho thấy, chi phí đầu tư tăng thêm để đạt chứng chỉ EDGE chỉ khoảng 2–3%, với thời gian thu hồi vốn trung bình 3 năm, đồng thời tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng và nước trong quá trình vận hành. Đối với chứng chỉ LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC), chi phí tăng thêm dao động 1,5–8% nhưng thời gian thu hồi vốn chỉ từ 1,5 đến 6 năm, tiết kiệm năng lượng từ 30–40%.
Rõ ràng, phát triển bất động sản xanh không chỉ là lựa chọn đạo đức mà còn là bài toán kinh tế hấp dẫn với lợi nhuận dài hạn.
Dù có nhiều cơ hội, phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu chuyên gia và nhà thầu đủ năng lực, nhận thức của thị trường còn hạn chế, cùng hệ thống chính sách ưu đãi chưa thực sự đồng bộ là những rào cản lớn.
Theo VARS, để hiện thực hóa xu hướng này, VARS khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần chủ động cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế như EDGE, LEED, LOTUS; Tích hợp yếu tố tiết kiệm năng lượng, vật liệu bền vững và giải pháp công nghệ ngay từ khâu thiết kế, quy hoạch; Hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, GIZ, UNDP nhằm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật; Xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng về giá trị xanh nhằm thu hút khách hàng trẻ và nhà đầu tư ESG.
Về phía cơ quan quản lý, cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xanh; thiết kế các chính sách ưu đãi cụ thể như ưu tiên phê duyệt quy hoạch, miễn giảm thuế sử dụng đất, ưu đãi tín dụng đối với dự án đạt chứng chỉ xanh. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn, nhà thầu và cán bộ quản lý xây dựng để đảm bảo triển khai đồng bộ và hiệu quả.