Kinh tế địa phương

Bát Mọt, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa): Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Kiều Phiên 21/08/2024 20:27

Bát Mọt là xã biên giới khó khăn của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phát huy nội lực, Đảng bộ và Nhân dân xã đang tập trung phát triển sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới.

Thoát nghèo từ những mô hình kinh tế

Bát Mọt là xã vùng biên khó khăn nhất của huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa). Hiện nay, chính quyền địa phương đã, đang xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, để tìm lối thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

z5753098238279_1ec7994438855dd48c0caf0e64c968c8.jpg
Người dân hướng dẫn khách du lịch thăm quan tại Bản Vịn

Vào cuối năm 2021, xã biên giới Bát Mọt thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước không còn trong khi đời sống người dân chưa thực sự được cải thiện nhiều. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy xã Bát Mọt đã huy động hệ thống chính trị tập trung thực hiện đa dạng, phong phú nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động người dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Thông qua đó nhằm tuyên truyền, phổ biến sự thay đổi chính sách, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời vận động bà con tự lực, tự cường phát triển sản xuất tham gia các mô hình kinh tế để cải thiện và nâng cao thu nhập.

Khi người dân đã hiểu, đã thông, xã Bát Mọt đã khảo sát, nghiên cứu tìm ra các mô hình sản xuất có tính khả thi cao với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ lao động của địa phương. Đồng thời tổ chức cho người dân tham quan, học tập thực tế kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ở các mô hình đang cho hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài huyện. Khi triển khai mô hình, xã đã tổ chức hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho người dân thực hiện. Từ cách làm này, nhiều mô hình sản xuất gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ đã ra đời, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đáng chú ý, ngoài các loại gia súc, gia cầm truyền thống, tận dụng diện tích ao hồ sẵn có, xã Bát Mọt đã khuyến khích người dân tham gia mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm và ký kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã có 20 hộ dân trên địa bàn xã tham gia mô hình với hơn 2ha diện tích mặt nước. Trong đó, đảng viên trong xã đã tiên phong đi trước, làm trước để người dân học hỏi, làm theo.

Anh Lương Văn Quynh, ở bản Cạn, xã Bát Mọt là người đầu tư kinh phí khá lớn để nuôi ốc nhồi thương phẩm. Anh Quynh cho hay, sau khi được UBND xã thông báo về mô hình phát triển kinh tế này, anh đã tham gia lớp tập huấn và quyết định đầu tư gần 2.000m2 ao để nuôi ốc.

Với lợi thế trên địa bàn xã có nhiều rừng tự nhiên, xã Bát Mọt đã khuyến khích người dân nuôi ong lấy mật, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP của xã. Mô hình này đã thu hút đông đảo người dân ở các thôn biên giới: Vịn, Khẹo, Đục, Ruộng tham gia, cho ra sản phẩm mật ong có chất lượng cao, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Xã cũng đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao là măng khô Bát Mọt, được tiêu thụ bán trên thị trường và các sàn thương mại điện tử.

bát mọt 3
Chính quyền xã Bát Mọt đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững

Phát triển du lịch cộng đồng cũng đang là điểm nhấn tại xã Bát Mọt. Người dân bản Vịn đã tận dụng cảnh quan thiên nhiên, sản vật có sẵn tại địa phương và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là “tín hiệu” trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới huyện Thường Xuân.

Những năm qua hoạt động homestay ở bản Vịn đã đánh thức tiềm năng du lịch, đưa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đến gần với du khách trong và ngoài nước, thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá. Hướng tới mục tiêu đưa du lịch homestay trở thành nguồn thu nhập chính cho Nhân dân bản Vịn, xã Bát Mọt đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phối hợp với cơ quan chức năng làm tốt công tác quảng bá định hướng phát triển mô hình du lịch đến từng hộ dân.

Ông Lê Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết, địa phương có gần 900 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp và có một số ít làm dịch vụ kinh doanh hàng hóa. Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Bát Mọt đạt 30 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34,48%. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với một xã biên giới vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Dồn lực vào xây dựng nông thôn mới

Nâng cao hiệu quả trong lãnh chỉ đạo điều hành chương trình ở địa phương, kịp thời tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới trong đó: tập trung vận động Nhân dân chỉnh trang nhà cửa, vườn tược; động viên nhân dân tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình, vận động Nhân dân ở các thôn giải phóng hành lang các tuyến đường giao thông liên thôn. Xã Bát Mọt đã đạt được 13/19 tiêu chi về Xây dựng nông thôn mới, Có 02 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới là thôn Vịn và thôn Khẹo, chiếm 25% số thôn trong toàn xã.

Tiến hành đồng bộ với các giải pháp nâng cao thu nhập, Đảng ủy xã Bát Mọt đã tập trung XDNTM, bắt đầu từ những tiêu chí dễ, như vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, sửa chữa, xây mới nhà cửa, từng bước xóa nhà tranh tre tạm bợ... Thực hiện các tiêu chí vệ sinh môi trường, xã đã quy hoạch các khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm tập trung, đồng thời vận động người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm vào thứ 7 mỗi tuần.

bát mọt 4
Một góc khung cảnh ở thôn Khẹo, thôn về đích nông thôn mới ở xã Bát Mọt

Trong nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, người dân xã Bát Mọt đã tự nguyện góp công, góp của bê tông hóa được 1.350m đường giao thông nông thôn tại các thôn: Cạn, Chiềng, Đục, Phống, Vịn; mở rộng và đổ cấp phối được 1.150m đường nội thôn Vịn, sửa chữa 460m đập chắn lũ... Xã Bát Mọt cũng đã đề nghị các cấp ngành đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nhu cầu của người dân. Đến nay, 8/8 thôn của xã đã hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, sau khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng và điều kiện về nguồn nhân lực, tận dụng cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi, xã đã triển khai thành công mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Vịn theo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Năm 2024 cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế xã hội trọng tâm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư, duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn cho đầu tư phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường...”, Chủ tịch Thiện cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bát Mọt, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa): Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO