Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!

Bài: SÔNG HÀN - Ảnh: HƯƠNG GIANG - DUY LONG 15/10/2022 10:32

Điều hành xăng dầu và khơi thông “dòng máu” cho nền kinh tế là điều quan trọng nhất nhì của cơ quan quản lý lúc này.

>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Sớm gỡ “nút thắt” về… chi phí

Mặc dù Bộ Công Thương khẳng định tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM trách dân có người còn nửa bình xăng vẫn chen vào đổ, nhưng thực  tế cho thấy xăng dầu vẫn thiếu hụt cục bộ tại một số địa phương, nhất là TP HCM.

Được biết, qua tuần Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ dẫn đầu đoàn công tác của bộ, đi kiểm tra Tổng kho xăng dầu Nhà Bè xuất phát từ tình trạng khan hiếm, nhiều đại lý bán lẻ thiếu xăng dầu ở phía Nam.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại TP HCM, một trong những nguyên nhân thiếu xăng dầu là do hai cơ quan liên Bộ Công thương – Tài chính được giao nhiệm vụ điều hành thị trường và giá xăng dầu thời gian “phản ứng chậm, và đùn đẩy trách nhiệm”.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho hay đã ít nhất 4 lần đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh, nhưng chưa được đồng thuận. Bộ này đánh giá việc điều chỉnh chậm là nguyên nhân khiến chiết khấu giảm về 0, cửa hàng bán lẻ bị lỗ… Ngược lại, Bộ Tài chính cho rằng việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp.

Nhiều cây xăng tại TP HCM treo đóng cửa, treo  biển

Nhiều cây xăng tại TP HCM treo đóng cửa, treo biển "hết xăng". Ảnh: HƯƠNG GIANG - DUY LONG

Trước đó, ngày  10/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã thừa nhận có trách nhiệm trong việc đưa ra chi phí định mức kinh doanh xăng dầu và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các khoản thuế phí với xăng dầu. Tuy nhiên, quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Các phụ phí, chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế đã được điều chỉnh từ kỳ điều hành 11/10, song theo các doanh nghiệp, vẫn có độ trễ. Theo họ, nếu nhà chức trách rà soát, điều chỉnh các chi phí này từ kỳ điều hành trong tháng 9, thuận lợi hơn nhiều do thời điểm này giá xuống thấp. Còn với kỳ điều hành 11/10, giá xăng đã tăng trở lại sau 9 kỳ giảm liên tiếp.

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối - phân phối và bán lẻ chưa rõ ràng; nên chuyện “ép giá” xảy ra. Bộ Công Thương cũng chưa tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương. “Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất”, ông Thịnh nhìn nhận.

>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối

>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?

>>Khan hiếm xăng dầu tại TP.HCM: Lỗi tại chính sách giá?

Thêm một vấn đề cần mổ xẻ, đó là số liệu cho thấy sức cung ứng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn vẫn đủ, trong đó quý III hai nhà máy này dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Về nguồn nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thì hết 9 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại, kim ngạch hơn 6,8 tỷ USD tăng hơn 22,7% về lượng, và hơn 131% về trị giá.

Như vậy, tổng nguồn cung xăng dầu từ cả hai nguồn tự sản xuất và nhập khẩu đều dồi dào so với năm trước, không có tình trạng thiếu xăng dầu từ các đầu mối lớn. Cung không thiếu, thậm chí là dư thừa, do đó công tác phân phối xăng dầu đến các điểm bán lẻ đã xảy ra vấn đề, nên mới dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại nhiều nơi trên cả nước như vừa qua.

Ng

Người dân TP  HCM gặp nhiều khó khăn do thiếu xăng cục bộ. Ảnh: HƯƠNG GIANG - DUY LONG

Bất cập phát sinh từ đây, bởi giá xăng dầu nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu quốc tế. Do đó, có lúc giá xăng dầu trong nước sẽ tăng mạnh hoặc giảm mạnh tùy vào mức giá nhập khẩu dầu thô. Việc áp một mức giá bán lẻ cố định sẽ dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp đầu mối phải bán lỗ vào những thời điểm giá dầu thế giới leo thang, do chi phí vận hành trong việc nhập khẩu, giá mua vào,… tại thời điểm đó sẽ khiến giá bán buôn cao hơn cả giá bán lẻ.

Một khi giá bán buôn của doanh nghiệp đầu mối cao hơn giá bán lẻ, nhưng quy định buộc họ không được phân phối với mức giá vượt quá giá bán lẻ đã quy định, thì tất yếu sẽ dẫn tới các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải tìm cách giảm lỗ bằng nhiều biện pháp như giảm mạnh chiết khấu cho các đối tác bán lẻ trên cả nước. 

Khách quan mà nói, dù xăng dầu thiết yếu và cần được Nhà nước điều tiết để đảm bản an ninh năng lượng, an toàn cho kinh tế quốc gia và đời sống dân chúng nhưng chẳng ai kinh doanh mà chịu lỗ mãi. Họ có thể gồng gánh vài ba tuần và lấy lãi trước đây bù lỗ lã sau này nhưng làm ăn không ai dại gì chấp nhận mãi bởi làm gì thì cũng phải hài hòa lợi ích. Trừng trị gian thương và xử nghiêm đầu cơ nhưng cũng cần tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và thuận mua vừa bán.

Chứng kiến cảnh sáng sớm người dân phải chở con đi học, rồi thủ đi làm mà giữa đường lại hết xăng. Chạy từ cây xăng này đến cây xăng khác đều nhận được cái lắc đầu mới hiểu được cảm giác hoang mang, bức xúc, âu lo của người dân như thế nào. Đọc báo, xem mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân chen chúc nhau nơi thì giành giật từng lít xăng, nơi thì xếp hàng dài chờ tới lượt được đổ xăng nhỏ giọt, không khác gì một thời tem phiếu từng qua.

Không thể phủ nhận cơ quan điều hành đã rất nỗ lực, cố gắng bằng nhiều cách. Nhưng hiệu quả của nỗ lực, cố gắng ấy phải được chứng minh ngoài thực tế với những cây xăng bớt treo bảng hết hàng, dân chúng đỡ rồng rắn lo ngại chen chúc để được đổ vài chục ngàn tiền xăng. 

Trong “cơn khát” xăng dầu, lỗi là ở cơ quan điều hành loay hoay làm tắc nghẽn, đó mới là điều cần đáng  bàn. Cứ nói đúng, làm đúng và điều hành trôi chảy, xăng dầu thông suốt thì chắc chắc chẳng còn ai chen chúc, lo ngại ngay cả khi xăng còn nửa bình!

Mong Bộ Công thương và Bộ Tài chính nên cân nhắc các biện pháp san sẻ bớt chi phí cho các đầu mối và linh hoạt mức giá điều hành giá sao cho phù hợp với thị trường. Chỉ khi thật sự đảm bảo hài hòa được lợi ích cho cả đôi bên, thì mới ổn định được thị trường xăng dầu trong nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Rà soát, sửa đổi quy định về xăng dầu

    08:29, 15/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Sớm gỡ “nút thắt” về… chi phí

    04:00, 15/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối

    12:00, 14/10/2022

  • Khan hiếm xăng dầu tại TP.HCM: Lỗi tại chính sách giá?

    04:44, 14/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?

    04:00, 13/10/2022

  • Nghệ An xử lý doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu khủng

    00:30, 13/10/2022

  • Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nguồn cung xăng dầu đã cơ bản được đảm bảo

    17:52, 12/10/2022

  • Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

    00:06, 12/10/2022

  • Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt

    12:00, 09/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO