Giá trị xanh phải đi cùng với giá trị bản địa – nghĩa là sản phẩm không thể tách rời văn hóa, lối sống và tri thức truyền thống.
Chia sẻ với Doanh Nhân, ông Nguyễn Ngọc Bích, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Rustic Hospitality Group và Giám Đốc đổi mới sáng tạo dự án Du Lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) khẳng định, cộng đồng địa phương là “linh hồn” của du lịch xanh.
Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Bích, việc kết nối giữa các cộng đồng ở các vùng khác nhau sẽ giúp trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo tồn các giá trị bản địa theo hướng học hỏi lẫn nhau.
- Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, ông nhìn nhận ra sao về thực trạng việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” tại các địa phương, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch… hiện nay, thưa ông?
Là người đã có hơn 20 năm đồng hành cùng các cộng đồng địa phương để xây dựng những mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng bền vững, tôi nhận thấy rằng du lịch “xanh” không còn là một xu hướng, mà đang trở thành một định hướng phát triển tất yếu tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế còn nhiều thách thức, nhất là trong việc chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể, có hệ thống và dài hạn.
Trong khuôn khổ dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD), chúng tôi đang hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng Bộ Chứng chỉ Du lịch Xanh Quảng Nam, và bước đầu đã có được sự đồng thuận, cam kết của chính quyền để tiếp tục phát triển lên một bộ tiêu chí xanh có thể được quốc tế công nhận. Đây là một sáng kiến quan trọng để tạo nền tảng giúp các địa phương khác có thể học hỏi, áp dụng và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh riêng, từ đó góp phần tạo ra hệ tiêu chuẩn chung cho du lịch xanh tại Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng nếu muốn du lịch xanh thực sự lan toả, chúng ta cần một hệ sinh thái liên kết bền vững – trong đó, doanh nghiệp cần đoàn kết để xây dựng chuỗi giá trị xanh, vừa bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học, vừa nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách. Điều quan trọng là phải xem sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là cơ hội chiến lược dài hạn.
- Vai trò của liên kết vùng trong phát triển du lịch nói chung và của từng địa phương nói riêng là vô cùng quan trọng. Để hòa nhập vào xu thế xanh, có kiến nghị đề xuất gì?
Để thúc đẩy liên kết hiệu quả, tôi cho rằng cần hành động ở 3 cấp. Bao gồm cấp chính quyền địa phương và vùng – doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Cụ thể, cần ngồi lại với nhau để xây dựng một tầm nhìn chung về phát triển xanh, từ đó thống nhất định hướng, chia sẻ dữ liệu, đồng bộ hạ tầng, và quan trọng nhất là hài hòa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng. Theo đó, doanh nghiệp chủ động “bắt tay” với nhau để hình thành các chuỗi giá trị xanh liên tỉnh – ví dụ như cùng sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, chia sẻ nguồn nhân lực, hoặc xây dựng các tour du lịch kết nối giữa các điểm đến sinh thái có cùng tiêu chuẩn.
Đặc biệt, từ phía cộng đồng địa phương - là “linh hồn” của du lịch xanh, việc kết nối giữa các cộng đồng ở các vùng khác nhau sẽ giúp trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo tồn các giá trị bản địa theo hướng học hỏi lẫn nhau.
Tại Quảng Nam, chúng tôi đang cùng với dự án ST4SD triển khai Bộ Chứng chỉ Du lịch Xanh với mong muốn làm cơ sở để các địa phương khác có thể tham chiếu, điều chỉnh và kết nối, từ đó hình thành một mạng lưới vùng xanh – nơi mà du khách có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác mà vẫn cảm nhận được cùng một tinh thần: du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.
- Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch xanh, các giá trị xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội đã được lồng ghép với những giá trị đặc trưng của địa phương, của vùng miền ra sao, thưa ông?
Doanh nghiệp đóng vai trò là cầu nối giữa tài nguyên bản địa và thị trường du lịch xanh toàn cầu. Chúng tôi không chỉ xây dựng sản phẩm dựa trên tài nguyên, mà còn phải đồng hành cùng cộng đồng để tạo ra các sản phẩm du lịch mang bản sắc, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội bền vững.
Chúng tôi phát triển các trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và chăm sóc sức khỏe chủ động, với triết lý “thuận thiên” – tức là sống hài hòa với thiên nhiên, phục hồi sức khỏe thân-tâm-trí cho cả du khách và cư dân bản địa.
Những giá trị xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học... được lồng ghép một cách tự nhiên vào các hoạt động trải nghiệm hằng ngày của du khách: từ việc ăn rau hữu cơ tại vườn, làm nông, cho đến tham gia thiền, yoga, hay học các nghề truyền thống.
Điều quan trọng là giá trị xanh phải đi cùng với giá trị bản địa – nghĩa là sản phẩm không thể tách rời văn hóa, lối sống và tri thức truyền thống. Ví dụ, chúng tôi kết nối với các nghệ nhân, nông dân, thầy thuốc bản địa để du khách không chỉ “đi thăm quan” mà thực sự được chạm vào chiều sâu của vùng đất và con người địa phương.
Đó cũng là cách mà doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khác biệt, và đồng thời góp phần thúc đẩy sinh kế cho cộng đồng và bảo tồn các giá trị bản sắc, hướng đến phát triển du lịch xanh đúng nghĩa – không chỉ xanh bề mặt, mà xanh từ gốc rễ.
- Trân trọng cảm ơn ông!