Mỗi lần bầu cử, câu chuyện quản trị quốc gia, và việc nâng cao chất lượng đại diện chính trị lại được mang ra bàn luận.
Ngày chủ nhật 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ tham gia ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quản trị quốc gia
Để hướng tới mục tiêu quốc gia phát triển, đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam cũng xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”. Lần đầu tiên, khái niệm “quản trị quốc gia” được sử dụng bốn lần trong văn kiện đại hội đã cho thấy sự chuyển biến về nhận thức chiến lược của Đảng.
Trên bình diện quốc tế, hàm ý của khái niệm “quản trị” là nhấn mạnh tính chất đa chủ thể, đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể. Trong nền quản trị quốc gia, lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho hoạt động của chính quyền. Thay vào đó, chính quyền sẽ đảm nhiệm vai trò nhà điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích của các chủ thể đa dạng.
Do các chính sách sẽ có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi các lợi ích đa dạng, hệ thống quản trị quốc gia đòi hỏi chính quyền phải duy trì được sự gắn kết chặt chẽ với mọi tầng lớp nhân dân, mọi nhóm xã hội. Để hướng tới sự phát triển bền vững thì những mong đợi, lợi ích, và quan điểm giải quyết vấn đề của các chủ thể tham gia vào hệ thống quản trị quốc gia cần được lắng nghe và tôn trọng. Cũng có nghĩa, Quốc hội Việt Nam sẽ đứng trước nhu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đại diện chính trị.
Nâng cao chất lượng đại diện chinh trị
Chức năng đại diện của Quốc hội Việt Nam được thể hiện rõ trong bản Hiến Pháp năm 2013. Theo đó, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân”; đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Có thể thấy, Quốc hội Việt Nam hiện nay đang áp dụng mô hình “đại diện theo cơ cấu”. Các đại biểu Quốc hội được phân bố để bảo đảm những đặc trưng của hệ thống chính trị (khối Đảng, Nhà nước, Đoàn thể); cấu trúc chính quyền (trung ương và địa phương); cũng như một số phân hệ cơ cấu xã hội chính yếu như: giới, dân tộc, độ tuổi, tôn giáo, nghề nghiệp.
Với đặc trưng quốc gia do một Đảng cầm quyền, hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất liên quan đến chức năng đại diện của Quốc hội Việt Nam là: (i) số đại biểu thuộc khối cơ quan hành pháp quá đông; và (ii) số đại biểu ngoài Đảng còn ít. Nhận thức rõ ảnh hưởng của hai vấn đề này đến chất lượng đại diện của Quốc hội, mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã dự kiến sẽ giảm số đại biểu từ khối Hành pháp và gia tăng số đại biểu ngoài Đảng (khoảng 25 đến 50 người) cho Quốc hội khóa XV.
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
05:05, 07/05/2021
03:00, 05/05/2021
19:57, 12/04/2021