Dù ông Donald Trump tái cử hay ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, thì vàng sẽ tiếp tục là kênh tăng giá đầu tiên.
Trong 2 kỳ trước, chúng ta đã đề cập đến sức tác động của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới đây, và việc ông Donald Trump tái cử hay ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, sẽ dẫn đến những kịch bản nào đối với bức tranh kinh tế toàn cầu chung?.
Trong đó, phải nhắc lại một điều là dù ai đắc cử Tổng thống Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)- cơ quan độc lập với Chính phủ Mỹ nên chính sách đôi khi không liên quan với Chính phủ - vẫn sẽ tiếp tục bơm tiền. Cùng với đó, chính sách cứng rắn trong quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ khiến cuộc chiến tranh thương mại đã phát động trước đó không nhiều thay đổi.
Đối với vàng, dù là ai đắc cử Tổng thống Mỹ, thì chu kỳ tăng giá vàng chưa thể dừng lại khi đường tăng giá vàng còn rất dài, do mới chỉ bắt đầu từ 2018 và thêm “gió” của COVID-19 để đi nhanh hơn. Khả năng tăng giá của vàng sẽ còn được hỗ trợ nhiều hơn hậu bầu cử Tổng thống Mỹ.
Các kênh đầu tư tài sản chứng khoán, hàng hóa sẽ tiếp tục hấp thụ dòng vốn lớn chảy vào, khi FED tiếp tục bơm tiền, trong khi khả năng “tiêu hóa” vốn bơm từ FED của nền kinh tế Mỹ cần có thời gian.
Nhưng chu kỳ tăng giá của thị trường chứng khoán khác với vàng, đã tăng liên tiếp suốt 12 năm qua. Đây cũng là quãng thời gian tính theo chu kỳ mà các nhà đầu tư sẽ lưu ý.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang có những tín hiệu rủi ro, dù nhiều nhà đầu tư không muốn nghe điều này.
Về lý thuyết, thị trường sẽ có 2 chiều xu hướng nói ngắn gọn là giá lên (bò tót) và giá xuống (gấu). Song thị trường còn có một “con” khác, đó là “cừu” – nhưng đối tượng đầu tư nhỏ lẻ rất dễ bị “cạo lông”. Ngoài ra còn có những “chú heo” – những đối tượng được nuôi mập mạp để…làm thịt.
Lấy ví dụ đơn giản: Một báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Mỹ mới đây cho hay, mặc dù chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh của mọi thời đại nhưng rất nhiều quỹ đầu tư chứng khoán đã bị thua lỗ nặng. Điển hình là một quỹ đầu tư của Na uy, có tổng tài sản 1.200 tỷ USD, hiện đã lỗ 3,4%, trong đó 45% tài sản được nắm giữ bằng cổ phiếu Bắc Mỹ (Mỹ và Canada). Có nghịch lý nào ở đây? Thực tế không có nghịch lý nào bởi: Đối nghịch với cổ phiếu công nghệ tăng cao, cổ phiếu các ngành hàng dịch vụ, du lịch, khách sạn…của Mỹ đều lao dốc mạnh. Và quỹ đầu tư thường đa dạng danh mục, không tập trung một khẩu vị duy nhất, do đó, tính tổng chung vẫn khó tránh lỗ.
Hiện tại, các cổ phiếu công nghệ đã vượt 40% tỷ trọng vốn hóa thị trường của 500 doanh nghiệp lớn nhất Mỹ và nhóm này cũng là biểu thị của cánh đi lên trong mô hình chữ K của thị trường chứng khoán Mỹ - các nhóm khác là cánh còn lại. Theo đó, rủi ro của thị trường chứng khoán Mỹ đang hiện hữu rất rõ dù lịch sử có thể (và hy vọng) sẽ không bao giờ lặp lại.
Với chính sách đánh thuế vào giới siêu giàu của ông Biden, và chính sách có thể giữ nguyên của đương kim Tổng thống Mỹ, quan sát thêm yếu tố dòng tiền, có thể dự báo: Nếu ông Biden đắc cử, rủi ro của cổ phiếu công nghệ có thể sẽ có đà kìm hãm. Ngược lại, nếu ông Trump đắc cử, thị trường chứng khoán vẫn sẽ đắc lợi.
Nhìn chung, các nhà đầu tư phải luôn tỉnh táo. Ứng xử này thực ra cũng rất phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi thị trường cũng đã tăng rất mạnh trong suốt thời gian qua, ví dụ trong tháng 8/2020 đã đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới tính theo tháng.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới 2-6/11: Biến động khó lường sau bầu cử Tổng thống Mỹ
05:30, 01/11/2020
Kịch bản đêm bầu cử Tổng thống Mỹ: Người chiến thắng sớm hay 'ngày tận thế'?
05:00, 01/11/2020
DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 26-31/10: Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động ra sao đến thị trường tài chính toàn cầu?
12:30, 31/10/2020
Bàn cờ thế cuộc hậu bầu cử Mỹ
16:00, 30/10/2020
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động ra sao đến chứng khoán Việt Nam?
05:30, 30/10/2020