Những xáo trộn vừa qua cho thấy be Group đang dần xác định được lối đi riêng hay tỏ ra "hụt hơi" trong cuộc đua đầy khốc liệt?
Ra mắt từ tháng 12/2018, “be” là ứng dụng gọi xe sinh sau đẻ muộn trên thị trường. Tuy vậy, hơn một năm phục vụ khách hàng Việt Nam, “be” đã tận dụng được lợi thế trên sân nhà khi nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường.
Tham vọng của be
Với “miếng bánh” thị trường gọi xe có thể nhanh chóng lên đến 1 tỷ USD, thị trường gọi xe công nghệ đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều hãng xe trong nước và nước ngoài. Từ khi một hãng gọi xe từ Mỹ rút khỏi thị trường, cũng là lúc "tân binh" be gia nhập "cuộc đua".
Trước kia, điểm yếu lớn nhất của các hãng xe công nghệ Việt khi ra mắt là công nghệ. Tuy nhiên, thời điểm be ra mắt (13/12/2018), nhiều người bất ngờ với đội ngũ kỹ sư phát triển ứng dụng này. Theo đó, nhiều kỹ sư người Việt từng làm việc tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới được mời về tập hợp để phát triển.
Thủ lĩnh của be khi đó là ông Trần Thanh Hải là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Ở những doanh nghiệp đó, ông Hải đều thể hiện duyên “mát tay” trong việc gây dựng.
Có thể bạn quan tâm
07:59, 27/12/2019
14:44, 24/12/2019
17:47, 05/08/2019
18:00, 10/07/2019
Ngoài kỹ thuật, be còn nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh là chất lượng dịch vụ và đối tác tài xế. Hãng này xây dựng cho các đối tác một chế đội đãi ngộ hấp dẫn. Theo đó, be là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ đối tác tài xế khi tham gia.
Ông Trần Thanh Hải khi đó nhấn mạnh be lấy lợi thế chính là tài xế để cạnh tranh với các hãng gọi xe công nghệ khác. Do đó, be sẽ gây dựng một cộng đồng tài xế bền vững, gắn bó với nghề. Ông cho rằng tài xế đóng vai trò quan trọng và là “vũ khí quan trọng” của bất kỳ hãng nào. Với quan điểm nói ít, làm nhiều và tập trung vào sản phẩm và dịch vụ, ông Hải chia sẻ thêm rằng thị trường càng mở càng tốt. Nếu chỉ có 10% thị phần, be vẫn muốn những gì mình làm cho đối tác tài xế và người tiêu dùng sẽ là xu hướng và thước đo chuẩn để cả thị trường chuyển động theo.
Thế mạnh về pháp luật cũng là điều mà be tự tin trước các đối thủ. Theo đó, ngay khi ra mắt, be đã có đầy đủ giấy phép kinh doanh vận tải. Theo đại diện hãng này, việc rõ ràng về tính pháp lý, chấp nhận đóng thêm 10% thuế VAT so với đối thủ xe công nghệ khác là một lợi thế, khác với suy nghĩ của nhiều người coi đó là bất lợi.
Theo đó, nhiều hãng gọi xe công nghệ đang gặp thách thức lớn về việc định danh là loại hình vận tải hay là một điều gì khác. Chính điều này khiến giới taxi truyền thống ra sức phản đối vì cho rằng bất bình đẳng. Chính việc “nhập nhằng” loại hình có thể bị trả giá khi Nghị định 86 mới ra đời, có thể đưa các hãng xe công nghệ về với bản chất.
Khi về với bản chất, nhiều hãng gọi xe công nghệ lo sợ sẽ bị mất hết lợi thế cạnh tranh, khó cạnh tranh với các đối thủ, thậm chí là cả taxi. Tuy nhiên, ngay từ đầu be đã xác định rõ về mặt pháp lý, đó có thể là lợi thế khi các hãng khác loay hoay đối phó với sự thay đổi của quy định và “trả giá” khi mất lợi thế cạnh tranh. Đây chính là điểm mạnh lớn nhất về chính sách be so với các đối thủ trên thị trường.
Ngoài phát triển vận tải công nghệ, beGroup vẫn đang song song phát triển dự án beFinancial, beLoyalty nhằm tạo thêm nhiều tiện ích cho khách hàng ngay trên ứng dụng gọi xe hiện tại.
Những chiếc ghế chao đảo
Tuy nhiên, đúng một năm ra mắt được đánh giá là khá rực rỡ, 12/2019, nhà sáng lập, CEO Trần Thanh Hải của be Group đã bất ngờ rời ghế CEO. Ông Hải ra đi trong bối cảnh ứng dụng này vừa kỷ niệm 1 năm sinh nhật với hàng loạt chương trình tri ân ấn tượng dành cho tài xế như mời miễn phí bánh mì, cà phê, nước giải khát, mời rửa xe, thay dầu,...
Cũng chỉ 1 ngày sau khi thông tin CEO Trần Thanh Hải rời khỏi vị trí ghế nóng của be Group thì đơn vị này lại tiếp tục gây sốc khi ra quyết định sa thải hàng trăm nhân sự, tương đương 40% tổng lượng nhân sự của cả công ty.
Bóng tối đang bao trùm lên be, thương hiệu vốn đang được không ít thiện cảm từ người dùng chỉ vì sau vỏn vẹn 1 năm ra mắt đã vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường.
Những xáo trộn thời gian qua của be Group được cho là nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hụt tài chính. Sắp tới, có thể be sẽ còn gặp khó khăn khi linh hồn của công nghệ là vị CEO đã không còn, trong khi những sản phẩm như be, năng lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng.
Theo một chuyên gia trong ngành chia sẻ: "Nếu như rào cản xâm nhập của Uber là công nghệ thì của Grab hẳn là nguồn tài chính dồi dào. Grab đã khiến lần lượt nhiều đối thủ phải "ôm hận" từ gọi xe như EasyTaxi, Uber cho đến dịch vụ giao đồ ăn như Lala, Vietnammm. Nếu những ai từ Uber, Grab từng chuyển sang be thì có lẽ khả năng cao họ sẽ tìm cho mình một lĩnh vực công việc mới".
Hiện những lời chào tạm biệt của nhân sự be rải rác trên newsfeed. Đâu đó có cả những status giới thiệu nhân sự - những con người đã chiến đấu với quyết tâm "đánh đuổi giặc ngoại xanh", kèm thông báo rằng vẫn còn nửa team ở lại bám trụ với "team vàng".
Giữa bão tin đồn, beGroup đã chính thức xác nhận, công ty đang có kế hoạch điều chỉnh nhân sự để đáp ứng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Theo đó, be Group cho biết, với mỗi giai đoạn, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu về nguồn lực khác nhau và be Group đang tiếp tục tuyển dụng những vị trí cần thiết cho việc phát triển kế hoạch kinh doanh. be Group cho rằng, đây là hoạt động vận hành bình thường của tất cả doanh nghiệp.
Theo be Group, thay vì phân tán nguồn lực cho nhiều sản phẩm mới, tầm nhìn của công ty là bảo vệ và phát triển thị phần gọi xe công nghệ nhằm duy trì ổn định vị trí số 2 trên thị trường, và nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với đối thủ số một.
Theo đó, để tập trung "quyết đấu" cho mảng gọi xe công nghệ nhằm rút ngắn khoảng cách với đối thủ cạnh tranh số 1, be Group sẽ tiếp tục gia tăng địa bàn hoạt động và tăng cường chính sách tuyển dụng, đào tạo đội ngũ tài xế và tuyển dụng nhân sự chất lượng trong năm 2020. Đồng thời, công ty khẳng định đã sẵn sàng kế hoạch để đón đầu Nghị định thay thế Nghị định 86 sửa đổi của bộ Giao thông Vận tải.
Tương lai bất định của "team vàng"
Theo báo cáo mới nhất của ABI Research, trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab là hãng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Phục vụ 146 triệu chuyến xe, Grab có 73% miếng bánh thị phần. Trong khi đó, be xếp ở vị trí số hai với thị phần 16% cùng 31 triệu chuyến xe thực hiện trong vòng 6 tháng.
Sau hơn một năm hoạt động, ứng dụng gọi xe be đã mở rộng hoạt động tại 10 tỉnh, thành phố Việt Nam. Cùng với đó là 6 loại hình dịch vụ, bao gồm beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), beFinancial (dịch vụ tài chính), beExpress (dịch vụ chuyển phát, bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng) và beLoyalty (chương trình khách hàng thân thiết).
Thị trường gọi xe tại Việt Nam trong năm 2019 tưởng như đã định rõ qua thế chân vạc với 3 tên tuổi hàng đầu là Grab, be và Go-Viet. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường trải dài suốt năm qua với 3 "tay chơi" này khiến tương lai thị trường trong năm tới trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Những tưởng, chiến lược đổ tiền đổi tăng trưởng, đặt giá cao, sau đó khuyến mại sâu sẽ giúp be vừa giữ chân được tài xế, vừa có được khách hàng. Nhưng cách làm này đương nhiên sẽ khiến be phải "cắn răng" chịu lỗ. Dường như đã tới lúc khoản lỗ vượt quá sức chịu đựng của các nhà đầu tư phía sau và ngay cả bản thân founder Trần Thanh Hải.
Có lẽ cũng chính vì tình hình tài chính khó khăn của be mà dịch vụ beFood trong lĩnh vực giao đồ ăn đã "chết từ trong trứng nước".
Rõ ràng, trên thị trường gọi xe, tiền không phải tất cả nhưng ít tiền thì thì vất vả, đặc biệt nếu đã ít tiền lại còn chậm chân.
Trong bối cảnh quốc tế, sự niêm yết không mấy thành công của cả Uber lẫn Lyft sẽ làm cho các tay chơi trên thị trường gọi xe nói chung vô cùng khó khăn khi gọi vốn tiếp. Tương lai của các công ty trên thị trường gọi xe lúc này đều là bất định nhưng quan trọng là ở mức ít hay nhiều.
Với be, sau một quãng thời gian đốt tiền miệt mài, cộng thêm nhà sáng lập, người được coi là linh hồn trong mỗi startup, quyết đinh rời đi, nhà đầu tư nào sẽ sẵn lòng cùng be đi tiếp chặng đường sắp tới?