Trong một nỗ lực mới “chưa từng có” để chiến đấu chống lại COVID-19. Thủ tướng Ý - Giuseppe Conte tuyên bố sẽ phong tỏa toàn bộ nước này trong vòng tháng tới.
Theo đó, số ca mắc COVID-19 tại Ý đã gia tăng chóng mặt, lên đến 25% trong khoảng thời gian 24 giờ, đạt mức 7.375 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 57% lên tới 366. Đó là mức gia tăng hàng ngày lớn nhất kể từ khi dịch bệnh được phát hiện tại nước này vào ngày 21/2.
Ngay lập tức, tại sàn giao dịch chứng khoán Milan, toàn bộ thị trường cổ phiếu đã “lao dốc” một cách thảm hại, theo ước tính sự sụt giảm lên đến 17%, các nhà đầu tư chứng khoán tại đây đang đưa ra dự đoán cho một vụ bán tháo cổ phiếu “khủng khiếp” tại trái tim kinh tế của nước Ý.
Cùng với đó là các thị trường chứng khoán lớn nhất ở châu Âu cũng trên đà giảm mạnh, lên đến hơn 7%, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 5% và tại Mỹ đã thị trường cổ phiếu đã giảm sâu hơn 7% sau khi các nhà đầu tư “sợ hãi” vì dịch bệnh đang lan rộng ra trên toàn thế giới.
Nền kinh tế Ý vốn đang nằm trên bờ vực suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng những năm gần đây liên tục bị tụt dốc. Có thể nói, việc đóng cửa toàn bộ nước Ý trong một khoảng thời gian “không thể dự báo trước” sẽ là một đòn giáng “chí tử” vào nền kinh tế vốn đang bị kiệt quệ và suy yếu của nước này.
Từ rất lâu, nền kinh tế của “đất nước hình chiếc ủng” đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, yếu tố khiến cho GDP tăng trưởng chậm chạp và thậm chí chưa thể hồi phục trở lại sau cơn “bạo bệnh” năm 2008.
Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng không có nhiều cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức "ổn định" lớn hơn 10%, thậm chí theo ghi nhận, con số này ở nhóm những người lao động trẻ lên tới 40%.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt đó chính là nợ công đang gia tăng một cách nhanh chóng, có thời điểm lên đến 132% GDP. Nhiều dự báo sẽ là một "Hy Lạp thứ hai".
Nền Kinh tế Ý lớn thứ 8 trên thế giới về GDP theo tỷ giá hối đoái đối với đồng đô la Mỹ và đứng thứ 7 trên thế giới về GDP theo sức mua tương đương.
Theo OECD, Ý là nhà xuất khẩu lớn thứ sáu thế giới về các sản phẩm chế tạo. Sức mạnh kinh tế của Ý chủ yếu tập trung trong các ngành công nghiệp sản xuất hàng hoá. Nước này có một số tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, những công ty này lại đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ châu Á.
Du lịch vốn được coi là lĩnh vực quan trọng nhất của quốc gia Nam Âu, với hơn 37 triệu khách du lịch mỗi năm, luôn được xếp hạng là điểm đến hấp dẫn thứ năm toàn cầu.
Tuy nhiên, sau tình trạng khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng gần đây, du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề nhất. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia địa phương, mức độ ảnh hưởng của du lịch có thể sẽ làm “tê liệt” nền kinh tế.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 1/2020, Việt Nam xuất khẩu sang Italia lượng hàng hóa đạt kim ngạch 255,3 triệu USD. Chúng ta đang duy trì được vị trí xuất siêu. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Italia đạt hơn 3,44 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ý khá đa dạng từ nông sản, dệt may, giày dép cho đến hàng điện tử… Trong đó, lớn nhất là phải kể đến điện thoại và linh kiện với kim ngạch 65,8 triệu USD; tiếp đến là giày dép 30 triệu USD; cà phê 23,6 triệu USD.
Điều đáng lưu ý, cùng trên đà giảm tốc của tất cả hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, kim ngạch xuất khẩu sang Ý cũng đang giảm mạnh trong tháng đầu năm nay, sự sụt giảm lên đến 90 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 10/03/2020
06:47, 10/03/2020
14:00, 08/03/2020
Trong bối cảnh dịch bệnh tồi tệ nhất hiện nay, với các ca lây nhiễm và tử vong liên tục tăng vọt, chính phủ nước này đã thực hiện các bước được cho là “quyết liệt nhất” để ngăn chặn dịch bệnh.
Và trên bình diện kinh tế, theo nhiều ước tính, việc “đóng cửa” cho đến ngày 3/4 tới đây của nước Ý, có thể sẽ là một "liều vắc-xin" cho sức khỏe của người dân nước này nhưng cũng có thể sẽ là "liều thuốc độc" cho nền kinh tế đang "thở ô-xy". Bởi điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 60 triệu người.