Beamin có dễ “ăn” thương mại điện tử?

CÁP TẦN 14/05/2023 02:00

Beamin đang có những chiến lược hướng đến việc trở thành một nền tảng thương mại điện tử.

>>“Thế trận” sàn thương mại điện tử

Mặc dù về lý thuyết đúng là họ có những lợi thế có sẵn, thế nhưng những người đi trước lại cho thấy con đường lấn sang thương mại điện tử của các hãng xe công nghệ lại không hề dễ dàng.

 Ứng dụng Baemin được thiết kế tối giản, thông tin rõ ràng và rất dễ sử dụng.

Ứng dụng Baemin được thiết kế tối giản, thông tin rõ ràng và rất dễ sử dụng.

Lấn sân

Từ một ứng dụng giao đồ ăn, Beamin đang mở rộng sang mảng đi chợ hộ, với việc ra mắt thương hiệu làm đẹp Lazy Bee tại thị trường Việt Nam. Thương hiệu gồm hai dòng chính là dưỡng da và trang điểm, với những sản phẩm quen thuộc như xịt khoáng, toner, mặt nạ, phấn nước và son. Theo đại diện từ Beamin, trong 1 - 2 tháng đầu tiên khi ra mắt sản phẩm, Lazy Bee sẽ chỉ được bán trên Beamin. Mục đích là để tạo độ nhận biết, đồng thời hỗ trợ hoàn thiện cơ chế vận hành.

Trước Lazy Bee, Beamin cũng cho ra mắt thương hiệu thức ăn chế biến sẵn Mama Woo vào đầu tháng 4/2023. Thương hiệu này gồm 28 sản phẩm, là những món ăn mang đậm phong cách Hàn Quốc như canh bò hầm cay, súp thịt heo, bò xào tẩm vị, v.v..

Việc mở rộng từ một ứng dụng giao đồ ăn đơn thuần thành một gian hàng bày bán sản phẩm online cho thấy có vẻ như Beamin Việt Nam cũng đang có chiến lược giống Beamin Hàn Quốc, đó là hướng đến việc trở thành một sàn TMĐT.

 Từ một ứng dụng giao đồ ăn, Beamin đang mở rộng sang mảng đi chợ hộ

Từ một ứng dụng giao đồ ăn, Beamin đang mở rộng sang mảng đi chợ hộ

Cặp “trời sinh”

Nếu xét theo lý thuyết, thì việc Beamin đặt cược vào TMĐT là một điều dễ hiểu. Bởi vì giao hàng và TMĐT là một cặp trời sinh.
Một sàn TMĐT muốn phát triển và vận hành tốt, thì họ phải đầu tư mạnh vào giao hàng. Ví dụ điển hình là Amazon. Trong những năm vừa qua, Amazon đầu tư rất mạnh vào bộ phận tiếp vận, với mục đích chính là phục vụ mảng TMĐT và nhu cầu ngày càng tăng trong mua sắm qua mạng.

Tính đến năm 2021, Amazon hợp tác với hơn 2000 đơn vị cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSP - Direct Service Providers). Đây là những công ty có hàng trăm tài xế độc lập. Năm 2018, Amazon mua 20.000 chiếc xe để cho các công ty này thuê và vận hành. Không chỉ vậy, Amazon còn đầu tư xây dựng 110 trung tâm vận hành ở Mỹ và 185 trung tâm trên thế giới.
Về đội xe, Amazon sở hữu 40.000 xe đầu kéo hiện đang hoạt động. Không chỉ mở rộng trên bộ, họ còn mở rộng trên bầu trời. Bắt đầu từ năm 2015, Amazon ra mắt Amazon Air. Năm 2022, Amazon mua 11 máy bay cho đội bay của mình. Amazon chấp nhận bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đô để xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp vận. 

Đó là một ví dụ về việc TMĐT đầu tư vào giao hàng. Ở chiều ngược lại, tận dụng lợi thế đội ngũ tài xế giao hàng của mình, các hãng xe công nghệ cũng từng triển khai một số dự án lấn sân TMĐT từ vài năm trước.

Chẳng hạn giữa năm 2020, Grab cho ra mắt một nền tảng chợ dịch vụ B2B mang tên Grab Merchant. Theo giới thiệu từ Grab, Grab Merchant tập hợp nhà bán trong cả lĩnh vực F&B (GrabFood), thực phẩm tươi sống (GrabMart) và các cá nhân, tổ chức đang sử dụng dịch vụ GrabPay. Grab chia sẻ rằng các nhà bán lẻ có thể tìm kiếm nguồn cung bán buôn, đồng thời xây dựng và triển khai quảng cáo thông qua nền tảng GrabMerchant này.

Hoặc như năm 2021, nền tảng gọi xe và giao hàng của Indonesia là Gojek hợp nhất với công ty TMĐT hàng đầu cùng quốc gia là Tokopedia, tạo thành liên minh GoTo trị giá 18 tỷ USD. GoTo sẽ bao trùm rất nhiều mảng, từ mua sắm, thanh toán cho đến giao hàng trực tuyến. Giới tài xế công nghệ của Gojek rất hào hứng trước thông tin này. Họ kỳ vọng thu nhập có thể tăng lên thì còn được hưởng thêm các đơn giao hàng TMĐT của Tokopedia.

Khó hơn vẫn tưởng

Như vậy có thể thấy, “TMĐT” và “gọi xe/giao hàng công nghệ” đều có cơ sở và tham vọng lấn sân sang nhau. Tuy nhiên, kết quả lại có vẻ không cân xứng.

Khi TMĐT đầu tư vào mảng giao hàng thì họ phát triển khá tốt. Chẳng hạn ở câu chuyện của mình, Amazon đã bắt đầu được hưởng trái ngọt. Năm 2020, Amazon tăng 50% khả năng thực hiện đơn hàng. Thậm chí họ là đơn vị vận hành 75% đơn hàng tại Mỹ với hệ thống hậu cần tối ưu của mình.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, hình hình không khả quan cho lắm. Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng, thế nhưng sau một năm đi vào hoạt động, khoản lỗ ròng trong 12 tháng của GoTo tăng 56%, lên đến 2,7 tỷ USD năm 2022. Kể từ khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia vào 11/4/2022, cổ phiếu của GoTo sụt giảm khá nhiều so với mức giá chào bán ban đầu ra công chúng đầy tham vọng.

Hoặc như trường hợp của GrabMerchant. Tuy chưa có thông tin chính xác về kết quả hoạt động, thế nhưng có thể nói rằng GrabMerchant vẫn chưa đạt đến những gì mà Grab mong muốn, bởi mảng kinh doanh này vẫn khá âm thầm, không nổi bật trên thị trường TMĐT Việt Nam.

Với tình hình của những người đi trước như vậy, có thể thấy rằng việc Beamin hướng đến trở thành sàn TMĐT là một chiến lược có vẻ nhìn rất tiềm năng, nhưng thách thức cũng lớn không kém. Có thành công được hay không, vẫn phải chờ thời gian đưa ra đáp án chính xác.

Có thể bạn quan tâm

  • Thăng trầm sàn thương mại điện tử giá rẻ: Câu chuyện của TEMU

    Thăng trầm sàn thương mại điện tử giá rẻ: Câu chuyện của TEMU

    03:45, 08/05/2023

  • “Thế trận” sàn thương mại điện tử

    “Thế trận” sàn thương mại điện tử

    02:00, 29/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Beamin có dễ “ăn” thương mại điện tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO