“Thế trận” sàn thương mại điện tử

NGUYỄN CHUẨN 29/04/2023 02:00

Chưa đầy một năm sau khi ra mắt, TikTok Shop dường như đang “vẽ lại” bản đồ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

>>“Ẩn số” khiến thương mại điện tử thay đổi chiến lược kinh doanh?

 TikTok Shop đang khiến các ông lớn TMĐT lo lắng. (Biểu đồ: Doanh thu và sản lượng của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam quý I/2023. Nguồn: Metric)

TikTok Shop đang khiến các ông lớn TMĐT lo lắng. (Biểu đồ: Doanh thu và sản lượng của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam quý I/2023. Nguồn: Metric)

Công ty phân tích dữ liệu Metric vừa công bố báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2023 của 5 sàn lớn nhất Việt Nam hiện nay bao gồm những tên tuổi như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop.

Shopee vẫn thống trị thị trường

Theo đó, tổng doanh thu bán hàng của 5 sàn thương mại điện tử nói trên lên tới con số 39.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu toàn thị trường tăng 21,8%, trong đó có 412.769 người bán phát sinh đơn hàng với hơn 390 triệu sản phẩm được giao thành công.

Theo báo cáo, “gã khổng lồ” Shopee hiện vẫn là cái tên dẫn đầu, chiếm tới 63,1% thị phần doanh thu tổng của 5 sàn thương mại điện tử, trong đó doanh thu bán hàng trên nền tảng vượt 24.700 tỷ đồng với 289,7 triệu sản phẩm được giao thành công từ 211.609 người bán. Đứng sau Shopee là nền tảng thương mại điện tử Lazada, mặc dù xếp thứ hai tuy nhiên sàn này chỉ ghi nhận con số 55,2 triệu sản phẩm giao thành công từ 105.921 người bán với doanh thu khoảng 7.500 tỷ đồng.


Nhìn vào những con số trong báo cáo, có thể thấy rõ doanh thu của Shopee đang vượt trội so với phần còn lại. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị khi báo cáo cũng cho thấy “sự đáng sợ” của TikTok Shop, nền tảng bán hàng thông qua ứng dụng video ngắn TikTok.

Sự “đáng sợ” của TikTok Shop

Dù chỉ mới ra mắt tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 2022, tức là chưa đầy một năm trước, nền tảng thương mại điện tử này đã có những bước tăng trưởng vượt bậc khi đạt mức doanh thu bán hàng vượt qua cả hai người chơi kỳ cựu bao gồm Tiki và Sendo. Cụ thể, Tiktok Shop đã đạt mốc 6.000 tỷ đồng doanh thu với 41,2 triệu sản phẩm giao thành công từ 68.411 nhà bán.

Trong khi đó, hai người chơi cũ đình đám một thời là Tiki và Sendo ngậm ngùi xếp sau “kẻ mới nổi” khi chỉ có doanh thu bán hàng lần lượt đạt 846,5 tỷ đồng và 55 tỷ đồng cùng với số lượng sản phẩm được giao thành công lẫn người bán tương đối hạn chế.

Có thể nói, cùng với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter đã ra đời để đáp ứng nhu cầu tương tác trực tuyến trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng khiến cho TikTok đang trở thành ứng dụng được yêu thích mới khi tiếp cận 1 tỷ người dùng trên toàn cầu vào cuối năm 2022 và trở thành nền tảng xã hội phát triển nhanh nhất từ trước đến nay.

Điều này cũng đã được ông Daniel Nguyễn, Giám đốc điều hành của TikTok Shop Việt Nam khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh TikTok Shop Việt Nam trong dịp kỷ niệm một năm ứng dụng này có mặt tại Việt Nam. Ông cho biết, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok Shop đã tăng vọt 11 lần trong 6 tháng qua, trong khi con số lượng đơn đặt hàng cũng tăng gấp 6 lần nhờ xu hướng Shoppertainment.
Với đà tăng trưởng này của TikTok Shop, có lẽ không chỉ những Tiki hay Sendo phải cẩn trọng mà thậm chí cả Lazada và Shopee cũng phải coi chừng…

>>Thương mại điện tử: Chuyển từ tăng trưởng “nóng” sang phát triển bền vững

Cần định hướng phát triển bền vững

Trong báo cáo mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp cùng Lazada và nhóm chuyên gia thực hiện về lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2023, có nhấn mạnh đến định hướng phát triển bền vững cho ngành trong những năm tới. Dự báo tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt tới ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.

Với những con số “biết nói” như vậy, để đạt trạng thái bền vững thì các doanh nghiệp ở Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngoài ra, rất cần khuyến khích một số nền tảng thương mại điện tử lớn ở Việt Nam không chỉ tập trung tăng trưởng doanh số mà cần triển khai mô hình hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Ngoài ra, logistics được xem như là một trong những yếu tố “sống còn” của ngành này, là “chìa khóa” tăng trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử của khách hàng. Cho nên, điều mong đợi là các doanh nghiệp thương mại điện tử cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào mảng logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động logistics.

Có thể bạn quan tâm

  • “Ẩn số” khiến thương mại điện tử thay đổi chiến lược kinh doanh?

    “Ẩn số” khiến thương mại điện tử thay đổi chiến lược kinh doanh?

    04:20, 11/04/2023

  • Thương mại điện tử: chuyển từ tăng trưởng “nóng” sang phát triển bền vững

    Thương mại điện tử: chuyển từ tăng trưởng “nóng” sang phát triển bền vững

    03:25, 08/04/2023

  • 06/04:

    06/04: "Hỗ trợ DNNVV kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử"

    07:00, 02/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Thế trận” sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO