Dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, song 10 năm qua, bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vẫn dang dở, cỏ mọc um tùm khiến nhiều người xót xa.
Đây cũng là hai trong số những dự án điển hình mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phải “điểm tên”, lấy làm minh chứng khi nói về tình trạng lãng phí khiến dư luận bức xúc. Sau 10 năm thi công đến nay, hai cơ sở nghìn tỷ này vẫn “bỏ hoang”. Đáng nói, tình trạng này diễn ra khi các bệnh viện tuyến Trung ương quá tải đến mức hầu hết các bệnh nhân đều phải nằm ghép.
Trở lại lý do triển khai dự án, thực trạng quá tải bệnh viện là vấn đề nan giải đối với ngành y tế từ nhiều năm qua, số giường bệnh trên một vạn dân của nước ta vẫn ở mức thấp trong khu vực. Năm 2014, xác định giảm tải bệnh viện tuyến cuối là vấn đề cấp bách, Chính phủ đã đồng ý cho phép xây 2 bệnh viện Trung ương tại Hà Nam với tổng số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.
Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 2/2016 với việc đưa khoa Khám bệnh ngoại trú 200 giường bệnh đi vào hoạt động. Đến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng toàn bộ 2 bệnh viện, với quy mô 1.000 giường bệnh/bệnh viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng.
Sau 4 năm xây dựng, ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này được khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, sau đó thông báo tạm thời dừng hoạt động. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ tạm dừng ở cắt băng khánh thành, chưa tiếp nhận bệnh nhân.
Như vậy, được kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện lớn, hiện đại và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đến nay (tháng 11/2024) 2 dự án trên vẫn là những khối nhà bỏ hoang, nhiều khu vực phụ trợ được xây dựng dang dở xuống cấp, một số khu vực tường phủ rêu xanh, vườn cỏ dại mọc um tùm, phía cổng vào những mảng sơn tên bệnh viện đã bong tróc. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 cách đó không xa cũng trong tình cảnh tương tự.
Vậy, vì sao 2 dự án nghìn tỷ “dậm chân tại chỗ”? Theo Kết luận kiểm tra số 1350/BKHĐT-LĐVX ngày 05/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà các cơ quan báo chí đã thông tin cho thấy, dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã được quy định (không theo hình thức EPC và cũng không theo mô hình truyền thống) gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Các gói thầu được ký hợp đồng là dạng hợp đồng khung, nội dung chi tiết được triển khai theo các phụ lục và giá chi tiết hợp đồng được xác định sau khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án điều chỉnh thiết kế nhiều lần trong quá trình thực hiện: Thay đổi phương án xử lý nền móng từ phương án cọc khoan nhồi sang phương án ép cọc bê tông cốt thép đúc sẵn; Thay đổi vị trí, diện tích một số khoa, phòng; Điều chỉnh bổ sung hạng mục như: Khu nội trú, khu trị xạ....; Điều chỉnh tăng diện tích sàn so với thiết kế cơ sở được duyệt. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm cơ sở để lập dự toán trình thẩm định cập nhật thiết kế bản vẽ thi công làm sai lệch tính chất của bước thiết kế kỹ thuật. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự toán trình Bộ Xây dựng thẩm định có nhiều nội dung không có trong thiết kế kỹ thuật gửi kèm hồ sơ dự toán…
Một nguyên nhân nữa là dự án phải điều chỉnh về tổng mức đầu tư: Dự án được tổ chức đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt ban đầu là 4.990 tỷ đồng (dự án bệnh viện Bạch Mai 2) và 4.968 tỷ (bệnh viện Việt Đức). Theo Quyết định 547 ngày 20/4/2017 của Thủ tướng, mỗi dự án được giao 4.500 tỷ đồng, trong đó 4.050 tỷ đồng vốn để thực hiện và 450 tỷ đồng vốn dự phòng 10%. Như vậy, tổng mức đầu tư của 2 dự án dự kiến phải điều chỉnh giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu năm 2014.
Trong khi đó, các dự án phải điều chỉnh tăng quy mô (tăng diện tích sàn), điều chỉnh công năng, nên Bộ Y tế chỉ đạo BQLDA rà soát lại tổng mức đầu tư, vì vậy, nhiều hạng mục phải điều chỉnh, thiết kế lại để phù hợp với nguồn vốn, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của dự án và các tiêu chí kỹ thuật, dẫn đến việc lập dự toán, thẩm tra, thẩm định dự toán các hạng mục gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công dẫn đến khối lượng trong hồ sơ dự toán trình thẩm định không phù hợp với thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra: “Năng lực quản lý dự án và quản lý chi phí của Ban QLDA; năng lực của các nhà thầu cũng còn hạn chế, đặc biệt là việc hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán”.
Tiếp tục câu chuyện 2 dự án nghìn tỷ nêu trên đang bị hoang hoá, xuống cấp, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, gây lãng phí lớn tiền của nhà nước, cử tri tỉnh Hà Nam liên tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương đưa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đi vào hoạt động. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân tỉnh này nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.
Tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra 2 dự án để đưa ra hướng giải quyết. Thủ tướng nêu rõ dự án 2 bệnh viện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn, xuất phát từ những yếu kém, sai từ khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, ký hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện. Các vướng mắc không được giải quyết ngay, nên càng kéo dài và càng khó giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, sớm hoàn thiện để đưa 2 bệnh viện đi vào hoạt động và chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp... dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ kéo dài, đồng thời, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những vướng mắc này.
Ngày 21/2/2023, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn đối với 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam.
Sau đó, Tổ công tác đã báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc của 2 dự án, đồng thời đề xuất các phương án giải quyết: Cho phép kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo quy định về đấu thầu xây dựng; bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện 2 dự án…
Ngày 07/4/2024, tại Thông báo số 141/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với Tổ công tác, Phó Thủ tướng đã yêu cầu sau khi hoàn thành các nội dung pháp lý, các nhà thầu hoàn thành điều chỉnh kế hoạch thi công, bảo đảm an toàn, chất lượng công trình và hoàn thành nhanh nhất trong năm 2024. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo đề xuất bố trí vốn theo tiến độ để nhà thầu thực hiện.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết năm 2024, có lẽ kế hoạch hoàn thành 2 dự án trong năm nay sẽ rất khó thực hiện.
Còn nữa…