“Căn bệnh” lãng phí đã “lây lan” đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Hàng nghìn dự án, công trình bị “đắp chiếu” nằm phơi nắng, phơi mưa là mối hoạ lớn cho đất nước…
Những năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023 đã theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; các cơ quan chức năng khởi tố 12 vụ án với 45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án, kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án với 369 bị can,...
Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, có hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 tướng lĩnh; các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ với 3.523 bị can về các tội tham nhũng…
Nhìn vào những con số cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được những kết quả rõ nét. Tuy nhiên, ở đâu đó, câu chuyện về lãng phí vẫn chưa được coi trọng. Tình trạng lãnh phí vẫn đang diễn ra như “căn bệnh” trầm kha nhức nhối và nan giải.
Nhức nhối “căn bệnh” lãng phí
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Thực tế, không khó để nhân diện ra tình trạng lãng phí đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng từ rất nhiều năm trước cho đến nay. Mỗi người dân bình thường cũng có thể tận mắt thấy tình trạng lãng phí đang diễn ra ngay trên địa bàn mình cư trú.
Nhưng thật đáng tiếc và rất đáng lo ngại là nhiều cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật lại chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nhiệm vụ chống lãng phí và có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Không ít cán bộ chủ chốt các cơ quan trung ương, các tỉnh thành phố, các quận huyện... lại không thấy hoặc cố tình không thấy sự nguy hiểm của lãng phí đang tàn phá đất nước cũng nghiêm trọng như tham nhũng tiêu cực và thậm chí có ý kiến còn cho rằng nguy hại hơn.
Có thể kể ra rất nhiều sự lãng phí về thời gian và tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân ở nhiều nơi, nhiều ngành, lĩnh vực. Một số liệu thống kê cho thấy cả nước hiện có 3.085 dự án chậm tiến độ hoặc không được thực hiện kéo dài từ 10 năm đến hơn 20 năm. Đã có khoảng hơn 74.000 ha đất bị bỏ hoang không sử dụng gây lãng phí một khoản tiền vô cùng lớn.
Nếu kể một số công trình xây dựng dở dang hoặc bỏ hoang hàng chục năm trời thì ai cũng thấy rất xót xa. Tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) có hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đầu tư 9.000 tỷ đồng qua 10 năm xây dựng đã giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng nhưng đến nay nhiều trang thiết bị đã xuống cấp hoặc hư hỏng. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn chưa được đưa vào sử dụng gây bức xúc dư luận.
Hay như Thủ đô Hà Nội có 712 dự án đã được phê duyệt nhưng chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai. Có rất nhiều dự án ở khắp các quận huyện của thủ đô mà ai cũng thấy những khu đất rộng lớn bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm.
Không thể nương nhẹ
Lãng phí đã trở thành một “căn bệnh” hiện diện rất rõ, nhưng vì sao “căn bệnh” trầm kha ấy vẫn tiếp tục lây lan đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực? Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, tình trạng lãng phí tài sản ở khu vực công là vấn đề luôn nhức nhối. Bởi, tài sản công rất lớn trong khi cơ chế quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, điều này khiến cho tài sản công trở thành "miếng mồi ngon" cho một số cá nhân có ý đồ "tư túi, xâu xé".
Theo vị chuyên gia này, có một vấn đề cố hữu đang tồn tại như một thứ ung nhọt trong khu vực công, đó là tư tưởng "cha chung không ai khóc"; cùng với cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch, đã khiến một số cá nhân lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước. Ngoài ra, tài sản công quá lớn, trong khi trách nhiệm quản lý của người đứng đầu bị buông lỏng, thậm chí còn xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ để bòn rút. Doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền túi ra để kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, nhưng tài sản của Nhà nước, nếu thất thoát, lãng phí thì …Nhà nước chịu.
Tình trạng lãng phí đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực gây thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Nói như TS Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đã đến lúc không thể coi nhẹ, phải quyết liệt trong việc này.
Theo đại biểu, lãng phí dường như vẫn còn được nương nhẹ. Không phải vì không chỉ ra được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, mà nó vẫn còn nằm trong quan điểm, cho rằng, điều đó chưa quan trọng bằng việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế thì hậu quả, thiệt hại của lãng phí có khi còn lớn hơn rất nhiều so với tham nhũng, bởi không đo đếm ngay được.
Chống lãng phí phải là nhiệm vụ cấp bách của toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay. Điều này cũng nhất quán với quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, mà vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, cuộc chiến chống lãng phí thực hành tiết kiệm phải đặt ngang hàng, thậm chí cao hơn cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực, bởi vì gây thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước và Nhân dân vô cùng lớn. Lẽ đương nhiên công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải đi đôi với cuộc đấu tranh kiên quyết mạnh mẽ không khoan nhượng là tham nhũng, tiêu cực tham ô, thoái hóa biến chất của một số cán bộ, đảng viên.
Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm về công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Còn nữa…